Doanh nghiệp kích hoạt chế độ "thời chiến"

  • www.doanhtri.net
  • 02-12-2020
  • 609 lượt xem
TTO - Trước khả năng dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát trở lại, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị các kịch bản làm việc, kích hoạt lại chế độ làm việc "thời chiến" với COVID-19 để hạn chế khả năng lây lan.
 
Thêm 2 ca COVID-19 mới nhập cảnh, bệnh nhân 1342 ‘vi phạm rất nghiêm trọng’
 
"Thực tế trong năm qua, COVID-19 đã thúc đẩy chúng tôi khởi động nhanh hơn. Chúng tôi chuyển từ quản trị chỉ huy sang chế độ "thời chiến". Tất cả các quyết định phải thật nhanh" - ông Nguyễn Văn Khoa, tổng giám đốc Tập đoàn FPT, cho biết.
 
Tái kích hoạt các biện pháp chống dịch
 
Theo ông Khoa, hiện tại phương thức làm việc online đã trở thành bình thường mới của FPT. "Những công việc trước đây chúng tôi chỉ có thể làm trực tiếp như hỗ trợ các vấn đề về Internet cho khách hàng, nay chúng tôi đã sáng tạo ra các giải pháp tiếp cận và xử lý vấn đề của khách hàng mà không cần gặp mặt. 
 
Đặc biệt, đến 98% khách hàng hài lòng với hình thức chăm sóc bình thường mới này. Chúng tôi cũng đã tổ chức hơn 500.000 lượt hỗ trợ khách hàng từ xa và hơn 500.000 cuộc họp trực tuyến trên các nền tảng khác nhau" - ông Khoa nói.
 
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Aureole (Nhật Bản) cho biết trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, tập đoàn đã tái áp dụng toàn bộ các biện pháp phòng dịch đối với các nhà máy ở Việt Nam. 
 
Cụ thể, bên cạnh đo thân nhiệt và rửa tay sát trùng ở cổng bảo vệ trước khi vào công ty, tập đoàn cũng làm vách ngăn tại các bàn ăn, chia nhóm công nhân viên đi ăn để giảm số lượng người ăn cùng. 
 
Các công ty thành viên cũng trang bị dung dịch sát khuẩn khô và nước rửa tay tại căngtin, cấp phát khẩu trang kháng khuẩn miễn phí cho nhân viên với số lượng 2 chiếc/người sử dụng trong 20 ngày, lau sàn hằng ngày bằng chất khử trùng, vệ sinh các tay nắm cửa và bàn làm việc bằng cồn 70 độ...
 
Đại diện hệ thống Lẩu gà 109 (TP.HCM) cũng cho hay đã "bật chế độ" chống dịch. Bên cạnh các giải pháp thông thường, đợt dịch này thay vì bán trực tiếp, hệ thống sẽ tăng cường sản xuất đóng gói hàng hóa để bán cả kênh siêu thị lẫn đối tác thương mại điện tử.
 
Lo kinh tế khó khăn
 
Còn theo bà Lê Vũ Hoài Ngọc - giám đốc Công ty Nutshealth (TP.HCM), doanh nghiệp không còn lạ với dịch nên vẫn luôn chủ động cách ứng phó. "Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Các hoạt động bán hàng offline sẽ hạn chế hơn, thay vào đó là những phương thức hoạt động quảng bá bằng hình ảnh, bán trực tuyến" - bà Ngọc chia sẻ.
 
Với các dịch vụ giải trí, ông Tạ Quang Hùng, giám đốc marketing Kingdom, cho biết doanh nghiệp đã lập tức áp dụng toàn bộ các biện pháp phòng dịch như: đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay, sát khuẩn micro... tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng, karaoke. 
 
Tuy nhiên, ông Hùng lo dịch diễn biến phức tạp sẽ tác động đến tâm lý sử dụng các dịch vụ ăn uống, giải trí của khách hàng trong đợt cao điểm cuối năm.
 
Siêu thị, bán lẻ tăng giao tận nhà cho khách
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-12, ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Saigon Co.op - khẳng định đơn vị đang siết chặt các giải pháp phòng chống Covid-19.
 
Cụ thể, bắt buộc nhân viên và khách hàng đến mua sắm tại hệ thống Saigon Co.op phải đeo khẩu trang, đơn vị cũng trang bị nước rửa tay tại các lối đi, giữ khoảng cách an toàn.
 
Ngoài ra, điểm mới là dù không nằm trong nhóm sản phẩm có nguy cơ chứa virus corona nhưng với trái cây nhập khẩu, Saigon Co.op vẫn chú trọng tăng cường kiểm soát để đảm bảo có nguồn hàng nhập chất lượng.
 
Tương tự, ông Đoàn Văn Hiểu Em - tổng giám đốc Thế giới di động - cho biết ngoài các giải pháp như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn với khách hàng và nhân viên, với hơn 2.000 điểm kinh doanh hàng điện máy, đơn vị có kế hoạch chuyển đội ngũ kinh doanh tại chỗ qua kinh doanh online.
 
Hệ thống này cho hay sẽ tăng giao hàng tận nhà khi nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, thậm chí áp dụng triệt để nếu có lệnh phong tỏa.
 
Đ.THIỆN - N.TRÍ - N.HIỂN   https://tuoitre.vn/

Xem thêm Doanh nghiệp