Đề xuất 7 doanh nghiệp nhà nước 'tỷ USD' cho vai trò 'chim đầu đàn'

  • www.doanhtri.net
  • 11-03-2021
  • 639 lượt xem
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp. - Ảnh: VGP
(Chinhphu.vn) – 7 doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản trên 20 nghìn tỷ đồng trở lên thuộc 4 lĩnh vực được đề xuất để nghiên cứu thí điểm tham gia Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường. 
 
Chiều 10/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới.
 
Tham dự cuộc họp ngoài đại diện các bộ ngành còn có lãnh đạo nhiều DNNN lớn, kể cả các doanh nghiệp chưa nằm trong đề xuất tham gia Đề án. 17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều nằm trong trong phạm vi nghiên cứu của Đề án.
 
Các doanh nghiệp này, theo đề xuất ban đầu, gồm 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (Viettel, VNPT, MobiFone), 2 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (Tập đoàn Điện lực EVN và Tập đoàn Dầu khí PVN), 1 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, và Vietcombank thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
 
Ngoài tổng tài sản sản trên 20 nghìn tỷ đồng, các tiêu chí chung khác của các doanh nghiệp này là chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh; ROE (lợi nhuận trên vốn) lớn hơn 6; được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD…
 
Các tiêu chí để xác định ngành, lĩnh vực để nghiên cứu thí điểm cơ chế, chính sách phù hợp là: Có tính chất mở đường, dẫn dắt; hướng tới làm chủ công nghệ số; có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp; cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước.
 
Giao quyền chủ động, tự quyết cho DNNN
 
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các mục tiêu của Đề án là củng cố, phát triển một số DNNN đóng vai trò dẫn dắt, mở đường, kết nối được với khu vực doanh nghiệp tư nhân; làm chủ được công nghệ; hình thành các chuỗi đổi mới sáng tạo…
 
“Có  tính chất mở đường” được hiểu là theo nghĩa là hướng đến các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, còn “dẫn dắt” theo nghĩa là hướng đến các ngành hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững, ông Hùng giải thích. 
 
Dự thảo Đề án cũng đề xuất các chính sách chung, với nguyên tắc phù hợp các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ các cam kết quốc tế, không làm méo mó các quan hệ trên thị trường, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng và tăng cường minh bạch, công khai của chính sách.
 
Theo đó, nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Nhà nước quản lý theo mục tiêu: giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp… Kiểm tra, giám sát theo hướng đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể.
 
Trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để  phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sand box).
 
Về cơ chế riêng với các lĩnh vực, Đề án đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển dịch vụ số, nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển công nghệ cho Viettel; ban hành cơ chế hỗ trợ việc kết nối các cụm cảng; với lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nghiên cứu hoạt động ngân hàng đầu tư (investment banking), hình thành quỹ đầu tư trong đó có đầu tư mạo hiểm…
 
Phải làm chủ công nghệ lõi
 
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu góp ý về các vấn đề như, các doanh nghiệp được đề xuất lựa chọn đã phù hợp chưa? Lĩnh vực hàng không hay Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) có nên được nghiên cứu, xem xét đưa vào Đề án không? Cơ chế chính sách như dự kiến đề xuất đã đủ mạnh chưa? Trong bối cảnh có rất nhiều cơ hội, nên chăng phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm để tận dụng được cơ hội chứ không “bó tay bó chân” doanh nghiệp, tất nhiên phải đi kèm việc giám sát hiệu quả.
 
“Thậm chí, kể cả một số doanh nghiệp, lĩnh vực có thể chưa tốt nhưng cần thì vẫn có thể đưa vào Đề án để phát triển mạnh lên, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước, chứ không chỉ lựa chọn những doanh nghiệp, lĩnh vực đang làm ăn tốt. Tranh thủ cơ hội để giúp doanh nghiệp trỗi dậy, đất nước bứt phá”, Bộ trưởng nói.
 
Nhắc lại những quan điểm lớn về phát triển DNNN được khẳng định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng cho biết, đây là yêu cầu, đòi hỏi lớn, bức thiết của đất nước trong giai đoạn tới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Đề án này.
 
Hiện DNNN số lượng không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh…
 
“Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là đúng đắn để DNNN tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, còn lại để cho doanh nghiệp tư nhân làm. Đại hội XIII cũng đặt mục tiêu rất rõ tới các mốc năm 2025, 2030 và 2045, phải xây dựng được một nền kinh tế có tính tự chủ cao hơn, sức chống chịu tốt hơn. Muốn vậy, phải phát triển, làm chủ được công nghệ”, Bộ trưởng phát biểu.
 
Nhắc tới các yếu tố như cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch bệnh COVID-19, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, các FTA mà Việt Nam đã tham gia, Bộ trưởng khẳng định đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên các doanh nghiệp trên thế giới.
 
Bộ trưởng cũng đề cập nhiều vấn đề liên quan tới DNNN cần tiếp tục cân nhắc, nghiên ứu như có nên phân công một cơ quan riêng để thực hiện quản lý nhà nước về DNNN? Thoái vốn Nhà nước đến đâu, thoái tiếp thế nào? Có phát triển tiếp các tập đoàn mới không? Phát triển đường sắt trong giai đoạn tới có thể cần nguồn vốn hàng chục tỷ USD, có nên phát triển một doanh nghiệp lớn về đường sắt để làm chủ công nghệ không? Đâu là những rào cản lớn với các doanh nghiệp, cần xử lý thế nào?...
 
Đồng tình với quan điểm phải làm chủ công nghệ như phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng nhấn mạnh, muốn hiện thực hóa khát vọng năm 2045 thì phải có công nghệ phát triển và Việt Nam  2045 phải là một xã hội số văn minh. Cả ông Dũng và Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm đều nhắc đi nhắc lại yêu cầu phải làm chủ các nền tảng công nghệ lõi.
 
“Chúng ta phải làm chủ công nghệ lõi, nếu không thì không bao giờ vượt qua được bẫy thu nhập rung bình chứ chưa nói đến thu nhập cao”, ông Dũng nói và nhắc tới việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách để phát triển, ứng dụng các công nghệ mới.
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định các ý kiến tại cuộc họp sẽ được Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Đề án.
 
Hà Chính     https://baochinhphu.vn/

Xem thêm Doanh nghiệp