Đề môn ngữ văn đơn giản, điểm sẽ cao

  • www.doanhtri.net
  • 09-08-2020
  • 770 lượt xem
Bài Đất nước vào đề Văn thi tốt nghiệp THPT (Hình ảnh học sinh Trường THCS, THPT Duy Tân)
 
(NLĐO)- Thí sinh vừa hoàn tất môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT sáng 9-8, đề thi mang tính nhân văn thể hiện sự trân trọng cuộc sống, con người và tình yêu đất nước. Bạn đọc đón xem giải đề môn ngữ văn
 
Tại Trường THPT Tân Bình, quận Tân Phú TP HCM, thí sinh N.T Thúy Hằng bước ra sớm nhất chia sẻ: "Lúc đầu vào phòng thi cảm giác hồi hộp, sau khi đọc đề em cảm thầy đề thi vừa tầm với em. Em làm tổng cộng được hai tờ, em nghĩ mình làm tốt bài thi sáng hôm nay và sẵn sàng bước vào môn thi tiếp theo chiều nay".
 
"Phần đọc hiểu tương đối dễ, phần hai bài văn nghị luận nội dung sát với phần đọc hiểu. Theo em đánh giá đề thi Văn năm nay tương đối dễ, tâm lý thi của em rất thoải mái và việc đảm bảo an toàn cho thí sinh dự thi tốt",  TS Thanh Đạt chia sẻ.
 
Ngay khi thí sinh kết thúc bài thi ngữ văn, tổ ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học mãi đã có một số gợi ý về bài làm.
 
Theo đó, ở phần đọc hiểu, câu 1, thí sinh phải trả lời được phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là nghị luận. 
 
Câu 2: Các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực đua nhau nảy mầm, nở thật nhiều hoa, kết hạt, chen chúc vươn mình trong khoảng không với mảnh đời thật ngắn ngủi giữa mùa hè. 
 
Câu 3: Sự tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở vùng Tsunoda ở Bắc cực và ở vùng sa mạc Sahara trong đoạn trích: Dù sống trong điều kiện khắc nghiệt với vòng đời ngắn ngủi, các loài thực vật vẫn nảy mầm, đơn hoa, kết hạt và gieo mầm sự sống cho thế hệ sau. 
 
Câu 4. Học sinh nêu rõ quan điểm, suy nghĩ cá nhân. Cần lí giải thuyết phục, hợp lý. Một số gợi ý: - Tương lai được tạo nên từ quá khứ và hiện tại. Bởi vậy, sống hết mình ở hiện tại chính là tiền đề để tạo nên một tương lai tốt đẹp, dù là nhỏ bé. - Mỗi giây phút trôi qua đều quý giá. Những giây phút sống hết mình sẽ mang lại cho con người những kinh nghiệm vô giá, những trải nghiệm đáng quý và trở thành hành trang đưa con người đến tương lai…
 
Tại TP HCM, thạc sĩ Lê Thị Kim loan, giáo viên môn ngữ văn, Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM), đánh giá đề cơ bản là dễ, vừa sức thí sinh, nhất là trong tình hình dịch bệnh và không khí lo âu như những ngày vừa qua. Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội có yêu cầu rõ ràng và tương đối đơn giản. Phần nghị luận văn học cũng khá dễ nếu thí sinh nắm chắc trọng tâm văn bản và thao tác làm bài. Tuy nhiên đoạn trích dẫn hơi dài sẽ khiến thí sinh gặp khó khăn ít nhiều trong khâu quản lý thời gian để có bài làm hoàn chỉnh. 
 
 “Tôi thích cách đặt vấn đề ngay từ phần đọc hiểu với hình ảnh các loài thực vật. Đoạn trích dẫn bài thơ Đất nước với hình ảnh những anh hùng vô danh cũng vậy”- cô Loan nói và cho biết với cách đặt vấn đề này, thí sinh có thể liên hệ với tình hình Việt Nam trong bối cảnh chống đại dịch hiện nay. Đề là tuy đơn giản nhưng đề vẫn có những ý triển khai liên hệ giúp phân loại thí sinh nhất định.
 
TS Trịnh Thu Tuyết – giáo viên ngữ văn hệ thống giáo dục Học mãi đánh giá đề thi ngữ văn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề bài không khó nhưng quá dài, đặc biệt là câu nghị luận văn học – câu hỏi chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài. Điều đó, có thể sẽ khiến học sinh lúng túng để hoàn thành tốt bài thi. ở phần đọc hiểu , 3 câu đầu dừng ở mức độ nhận biết. Chỉ duy nhất câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình trước một nhận định rút ra từ ngữ liệu đã cho. Với 3 câu hỏi nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể đạt được điểm tối đa. Và như vậy, phần đọc hiểu sẽ không làm khó và không làm mất thời gian của thí sinh. Ở phần 2, làm văn (7 điểm), câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”“sự cần thiết” được hiểu là ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của ý thức “trân trọng cuộc sống mỗi ngày”. 
 
 “Có thể thấy, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng form, cấu trúc, dung lượng mà học sinh ôn luyện, phù hợp với thời lượng và quỹ điểm. Khía cạnh của vấn đề nghị luận cũng hướng tới một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân. Tuy nhiên, đây là một vấn đề ít nhiều còn trừu tượng với những học trò 18 tuổi – chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời, vì thế rất có thể sẽ có những bài làm chung chung, lí thuyết và thiếu sự thiết thực thấm thía nhất với mỗi học trò” – TS Tuyết nhận xét. 
 
Bài nghị luận văn học đề cập đến một thông điệp tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích Đất nước mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945-1975. Đây cũng là nội dung chính mà học sinh không thể bỏ qua khi tiếp cận những giá trị nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ. Tuy nhiên, ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích “Đất nước”, đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút.
 
Thầy Nguyễn Tú Huỳnh giáo viên môn ngữ văn, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP HCM chia sẻ, cấu trúc đề tương tự các năm trước, đề thi dễ, nhiều thi sinh làm 2 tờ, câu một có ngữ liệu hay triết lý hướng đến cách sống cố gắng vượt qua khó khăn nghịch cảnh. Đề cơ bản không nâng cao đánh đố thi sinh quá nhiều, thầy dự đoán phổ điểm sẽ từ 6,5 điểm đến 8,5 điểm.
 
 
YẾN ANH - HUY LÂN - ÊBAN CHUYÊN. Ảnh: HOÀNG TRIỀU - Clip: Lê Vĩnh

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe