Đầu tư vào các doanh nghiệp sáng tạo Việt Nam- LG-TS Ngô Anh Cường

  • www.doanhtri.net
  • 11-04-2021
  • 775 lượt xem
Trăn trở lớn nhất của các doanh nghiệp sáng tạo trong nước là tìm được nguồn vốn đầu tư để triển khai các dự án tâm đắc. Có thể là những dự án liên quan đến môi trường, nông nghiệp, chế biến thực phẩm sanh xạch, y tế cộng đồng, công nghệ thông tin, công nghệ sản xuất, hoặc là logistics, v.v.; nói chung, các công nghệ phục vụ người tiêu dùng và phát triển xã hội trong những ngày tháng tới.
 
Thế giới luôn cần những sản phẩm mới. Tiềm năng sáng tạo trong nước vẫn còn bị ràng buộc bởi các định chế và thiếu vắng sự khuyến khích giao lưu minh bạch với các nguồn cung cấp vốn. Trong năm 2020, mặc dầu đại dịch Covid hoành hành,  hơn 200 tỷ USD của các nhà đầu tư “Venture Capitalists” (VCs) đã đổ vào các công ty sáng tạo.  Chỉ riêng Châu Á, hơn 87 tỷ USD. Câu hỏi cần được đặt ra, với cột mốc 2020, các doanh nghiệp sáng tạo trong nước đã có được hỗ trợ góp vốn từ hơn 3.000 VCs toàn cầu bao nhiêu? – 500 triệu USD trong số 87 tỷ? Hay ít hơn?
 
 
Vì nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia, chúng ta bắt buộc phải  tư duy và đặt câu hỏi, tại sao khi áp dụng giãn cách xã hội, nước Mỹ vẫn được các nhà đầu tư quan tâm, Singapore, Hàn quốc, Nhật bản và Trung quốc vẫn đứng đầu trong những quốc gia Châu Á nhận lảnh các nguồn tài trợ dồi dào để phát triển các doanh nghiệp sáng tạo?
 
Câu trả lời: - cũng chỉ vì các doanh nghiệp sáng tạo Việt Nam không có cơ hội và điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn sẵn sàng hợp tác. Đối với các nhà đầu tư mạo hiểm,  thay vì chôn tiền tại các ngân hàng với lợi nhuận thấp, - vì chi phí điều hành của các ngân hàng cao -, họ luôn tìm một “sân chơi” mới, tăng tốc lợi nhuận, và nếu có thua lỗ, vẫn được khấu trừ vào thuế thu nhập hàng năm.
 
Tất cả các công ty hàng đầu thế giới, từ Facebook đến Salesforce, từ Microsoft đến Apple, đã được đầu tư bởi các VCs từ trung tâm Sand Hill Palo Alto. Ngay cả Intel, khởi nghiệp năm Tết Mậu Thân 1968, chỉ với các chữ ký của TEAM trên tờ 1 đô-la, phát triển một dự án kinh doanh thay đổi thế giới với các chất bán dẫn, chính nhờ vào “niềm tin” mà các nhà đầu tư đã biến 8 kỷ sư của Fairchild Company thành tỷ phú đô-la, hình thành Silicon Valley tại Hoa kỳ.
 
 
Các nhà đầu tư chỉ đòi hỏi và thẩm định “Mô hình Kinh Doanh” (Business Model) và “Kế hoạch kinh doanh” (Business Plan). Chứng minh làm sao để họ tin tưởng vào đội ngủ (Team) sẽ đem lại lợi nhuận khi họ góp vốn, qua việc mua cổ phần.
 
 
Nhà đầu tư bỏ tiền chỉ vì muốn kiếm thêm lợi nhuận. Họ đầu tư vì tin tưởng:
 
1. Sản phẩm/dịch vụ tốt, ít cạnh tranh
2. Đội ngủ (Team) tiềm năng
3. Đem sản phẩm/dịch vụ đến thị trường (world market)
4. Lợi nhuận vượt bậc (so sánh với các ngân hàng)
 
Trước thềm của nền kinh tế Công Nông Nghiệp 5.0, tận dụng AI (Artificial Intelligence) và cách mạng 4.0, Việt Nam nên phát triển hạ tầng thích nghi mời gọi đầu tư vào SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ), tạo điều kiện “ắt có và đủ” cho các ý tưởng sáng tạo phát minh, hợp tác với các nhà đầu tư thế giới, triển khai các dự án đang tiềm tàng trong cộng đồng. Hằng ngàn VCs luôn tìm cơ hội đầu tư. Doanh nghiệp nên tiếp cận họ với các “Business Plans” độc đáo và giản dị.
 
Để phát triển các doanh nghiệp sáng tạo trong nước, cần phải được sự hỗ trợ của các cơ quan công quyền, thông thoáng  thành lập một Trung tâm xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp sáng tạo (Investment & Innovation Promotion Center), với sự đóng góp chuyên sâu mở rộng từ các thành viên “Sĩ-Nông-Công-Thương” có khả năng tiếp cận các nguồn vốn quốc tế.
 
Đường luôn rộng mở để hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo Việt Nam.
 
www.doanhtrinet    LG-TS Ngô Anh Cường, Viện IBLA
 

Xem thêm Doanh nghiệp