ĐẶC CÔNG - Bộ đội đặc biệt tinh nhuệ
Luật gia Bùi Việt Cường

  • www.doanhtri.net
  • 22-07-2017
  • 1197 lượt xem

'

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

tại Lễ thành lập Binh chủng Đặc công (19-3-1967). Ảnh tư liệu 

Cách đây đúng 50 năm, tại Lễ thành lập Binh chủng Đặc công (ngày 19-3-1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt... Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt... Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được... Mưu trí phải đặc biệt linh hoạt. Kỹ thuật phải đặc biệt huấn luyện thuần thục. Lập trường chính trị phải đặc biệt vững chắc... Kỷ luật phải đặc biệt nghiêm minh… Nội bộ phải đặc biệt đoàn kết... Cái gì cũng đặc biệt đối với đặc công. Chữ đặc biệt quán xuyến tất cả, từ lúc tập luyện cho đến lúc đi đánh cũng như lúc về...”(Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, HN 2011, tr. 319 - 320).

Điều "đặc biệt" là trong bài nói ngắn gọn nhưng thật xúc tích của Bác có tới 24 từ "đặc biệt"...!.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng: “Đây là một binh chủng mới đối với ta và cũng có thể là mới, đặc biệt mới đối với thế giới...”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tổng quát: “Đảng ta nhận định cách đánh đặc công là một trong những cách đánh quan trọng của lực lượng vũ trang, của nhân dân Việt Nam, là một trong những cách đánh dũng cảm nhất, sáng tạo nhất, anh hùng nhất của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam chúng ta”.

Nhà nước ta cũng đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Binh chủng (hai lần) cũng như cho 99 tập thể và 210 cá nhân, cùng nhiều phần thư­ởng cao quý khác (Huân chương Sao Vàng, HC Hồ Chí Minh, HC Độc lập, HC Quân công...). Quốc hội nước CHXHCNVN đã tặng Binh chủng 16 chữ vàng truyền thống vẻ vang: “Đặc biệt tinh nhuệ, Anh dũng tuyệt vời, Mưu trí táo bạo, Đánh hiểm thắng lớn”...

Đáp lại niềm tin yêu và sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Bác Hồ, Bộ đội Đặc công đã liên tục lập công xuất sắc trên khắp các chiến trường ngay từ trong những ngày kháng chiến chống Pháp và nhất là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như các cuộc chiến tranh Biên giới Tây-nam, Chiến tranh biên giới phía Bắc. Những địa danh mãi được lịch sử nhắc nhớ, là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của giặc thù: Trận đánh Tháp canh cầu Bà Kiên; Sân bay Cát Bi, Gia Lâm - Phú Thọ Hòa, Pô-chen-tông; Tua 2; Núi Thành; Bến Lức; Đồng Dù; Kho dầu Nhà Bè; Kho Thành Tuy Hạ, Sân bay Biên Hòa, Sân bay Tân Sơn Nhất, tòa Đại sứ quán Mỹ,  biển đảo Trường Sa…

Ngay trong cuốn “Chiến tranh cách mạng ở Việt Nam”, nhà báo Pháp Ga-bri-en Bon-nê (Gabriel Bonnet) đã nhận xét về Đặc công VN như sau: “Một đội quân đáng gờm chuyên đánh úp, gọi là Đặc công. Họ tiến hành nhiều trận đánh gan dạ và khó khăn với mục tiêu hạn chế vẫn thu được kết quả không ngờ. Quân số thay đổi từ 5-10 đến 100-200 người tùy theo tính chất nhiệm vụ. Nơi thì 5-6 “người nhái” mang bộc phá đặt lên hông tàu chiến Mỹ, nơi thì được lưới lửa súng cối và tên lửa yểm trợ, được “nội công” giúp sức. Họ giải phóng hàng trăm tù nhân. Đặc công đã đánh không biết bao nhiêu trận, nhất là vào căn cứ và sân bay Mỹ… Họ thường hoạt động với sự giúp sức của những bộ phận biệt động nằm trong căn cứ. Mục tiêu được lựa chọn rất cẩn thận và phân công rất kỹ càng. Nhưng một khi xét thấy điều kiện bất lợi, thì họ phân tán lực lượng và biến mất..." (Phụ trương Báo QĐND, tháng 04/2017).

Bộ đội Đặc công ở Củ Chi - Vùng ven Sài Gòn

Củ Chi là một huyện ngoại thành (diện tích hơn 435 ngàn ha, dân số khoảng 356 ngàn người), nằm về phía Tây Bắc của TP.Hồ Chí Minh. Huyện Củ Chi nằm trên một vùng đất chuyển tiếp từ vùng đất cao của núi rừng miền Đông Nam bộ xuống vùng đất thấp của đồng bằng Sông Cửu Long. Củ Chi nằm giữa sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, có đường giao thông giao lưu với các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ...

Địa đạo Củ Chi nằm trong vùng đất mà ngày trước quân Mỹ gọi là "Tam giác sắt" (bao gồm cả Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát), còn được gọi là "mũi tên đáng sợ" chĩa thẳng vào Sài Gòn. "Tam giác sắt" là vùng địch ra sức tàn phá, hủy diệt; nhưng có thể nói đây là vùng đất bất khả xâm phạm của quân dân ta. Địa đạo Củ Chi tuy cách Sài Gòn chỉ có 70km đường bộ nhưng là căn cứ của nhiều đơn vị cách mạng, trong đó có khu Ủy Sài Gòn - Gia Định. Địa đạo Củ Chi luôn là một vùng đất kiên cường, "một cái gai nhức nhối " của các thế lực ngoại xâm từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ...

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân và các lực lượng vũ trang Củ Chi đã có những sáng tạo về cách đánh, về tổ chức trận địa, tạo thế bám trụ, lấy phương thức chiến tranh nhân dân đánh bại phương thức chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ, trong đó có các lực lượng bám trụ của Bộ đội Đặc công anh hùng (cùng với lực lượng bám trụ chiến đấu cũng rất anh hùng và "đặc biệt tinh nhuệ" thuộc Đoàn 10 ở Chiến khu Rừng Sác - huyện Cần Giờ, hiện là một trong bốn khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia của Thành phố Hồ Chí Minh, được xếp hạng từ tháng 04/2006 ) ... 

Sống trong lòng Dân và trong lòng Đất Mẹ, toàn thắng chiến lược "Tát nước (để) bắt cá"...

Vào những ngày tháng Bẩy "đền ơn đáp nghĩa" này, chúng tôi được tổ chức đi dự một cuộc bàn giao "Nhà tình nghĩa" cho gia đình một Cựu chiến binh Củ Chi ở Xã An Nhơn Tây (Gò Nổi), Bắc Củ Chi. Đây là một trong số hàng trăm ngôi Nhà tình nghĩa mà Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA) đã đóng góp cho Huyện Củ Chi và Thành phố từ nhiều năm nay... Má Năm, gần 90 tuổi nay đã già yếu, không đi lại được nữa, là mẹ ruột của Út Hồng, một cựu đội viên Trung đội nữ du kích Củ Chi và là mẹ vợ của Bảy Thọ, Cựu chiến sĩ Đặc công thuộc Tiểu đoàn Đặc công Gia Định 4 anh hùng, Phân khu 1 Sài Gòn-Gia Định (câu chuyện tình yêu đẹp, lãng mạn trong khung cảnh chiến tranh của hai người còn có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết dày, nhiều tập) ... Từ nhiều năm nay, Má Năm vẫn sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ bên con Lộ liên xã, vì muốn nhường trước cho các hộ gia đình Thương binh-Liệt sĩ, hộ chính sách khác còn khó khăn hơn. Nhận tờ Quyết định chủ quyền nhà từ tay đồng chí Phó Chủ tịch xã, Má Năm xúc động không nói lên lời, hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi gò má già nua vì những tháng năm gian khó đã qua... Út Hồng và các con, cháu chắt, họ hàng lối xóm của Má cũng xúc động không kém.  Và mọi người đều hồ hởi chia vui với Má trong căn nhà mới 60m2 khang trang, sáng sủa, đầy đủ tiện nghi cho những ngày tháng vui vẻ cuối đời của Má...

Người bạn mời tôi dự buổi bàn giao "Nhà tình nghĩa" ngắn gọn nhưng đầy tình cảm ấm áp "uống nước nhớ nguồn" này cũng chính là một cựu chiến binh - thương binh, là một trong những người trưởng thành từ lính lên đến chức Đại đội trưởng, rồi Tham mưu trưởng Tiểu đoàn của Đơn vị Anh hùng các LLVT này ! Anh tuổi con cọp (1950),  đã xung phong nhập ngũ, trên danh nghĩa Bí thư Chi đoàn Thanh niên, với lá đơn viết bằng máu từ năm 17 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp Phổ thông hệ 10 năm ở Bắc Ninh (năm 1967). Kế tiếp những năm tháng luyện rèn qui củ, miệt mài tại các trường lớp huấn luyện Bộ đội Đặc công tinh nhuệ trên miền Bắc "Hậu phương lớn" là chuyến vượt Trường Sơn hơn 6 tháng ròng không thể nào quên và cuộc thử lửa, bám trụ, chiến đấu khốc liệt, gian khổ trên vùng Căn cứ Rừng Làng-Củ Chi đất thép... Anh đã được là Đảng viên chính thức tháng 10/1970, khi vừa tròn 20 tuổi... Tổng cộng, cho đến ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (tháng 04/1975),  Anh đã có gần 4 năm trời bám trụ, chiến đấu (không kể gần một năm bị địch bắt và tù đày, tra tấn ở Trại giam Cần Thơ, cho đến ngày 30/04/1975), trên mảnh đất Củ Chi mà anh coi như "Quê hương thứ hai" của mình... Những nữ du kích, nữ quân y hay các em gái Củ Chi vùng ven vẫn còn thuộc những câu vè nói về "điều kiện" đối với anh và đồng đội như sau : "Một yêu chính cống Bắc kỳ, Hai yêu súng ngắn đeo ghì bên hông. Ba yêu bát sứ bỏ bồng, Bốn yêu văn hóa phổ thông lớp mười..."

Từ nhiều năm nay, anh thường xuyên liên hệ và thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình cơ sở ở căn cứ bám trụ cũ và tham gia liên tục các dự án "Nhà tình nghĩa" cho các gia đình cơ sở ở Củ Chi, các gia đình đồng đội cũ cả ở trong Nam và ngoài Bắc, khi thì trên danh nghĩa "phối hợp" với VINATABA, khi thì với danh nghĩa riêng của đơn vị anh đang làm việc thêm, sau khi nghỉ hưu (với chức danh Chánh Văn phòng một Sở lớn của Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000)... Những cái tên Má Hai, Má Năm, Má Bảy..., các anh chị em Bảy Sinh, Chín Miêng, Tư Trong, Ba Gái, Hai Chanh, Minh Tấn... thật quen thuộc, thân thương đối với anh và đồng đội... Anh bảo mình làm tất cả những điều đó cũng là để "Đền ơn đáp nghĩa" các Ba Má, các Anh Chị Em cơ sở cách mạng năm xưa đã che trở, giúp đỡ mình và đồng đội; đồng thời cũng là để tri ân các đồng đội đã mất đi một phần xương máu, thân thể cho Dân tộc hay đã hy sinh vì Tổ quốc, đã không có may mắn như mình là được sống cho đến ngày hòa bình, toàn thắng hôm nay...

Thay lời kết luận

Cùng ngồi trên xe khi trở về Thành phố, tổng kết lại những năm tháng và sự kiện đã qua, bằng một giọng trầm ấm, cảm động, anh bạn tôi cho rằng những năm tháng chiến đấu đó là cực kỳ khó khăn, gian khổ. Nhiều lần bị thương rất nặng tưởng không thể qua khỏi hay lắm lúc hiểm nguy cận kề cái chết, hoặc những khi bị giặc giam cầm, tra tấn giã man... Nhưng vượt lên trên tất cả để sống và chiến thắng, chính là nhờ bản thân đã được tôi luyện trong môi trường Bộ đội Đặc công "đặc biệt tinh nhuệ". Và nhất là, suốt thời kỳ khó khăn gian khổ, ngay giữa vùng bị địch tạm chiếm đó, đã được sống và chiến đấu"trong lòng Dân và trong lòng Đất Mẹ" (trong các hầm trú ẩn trong lòng đất, dưới nước dọc theo tới 300km kênh rạch hay dưới hơn 200km địa đạo của Củ Chi...) - một chân lý mà những kẻ đã huênh hoang tuyến bố phát minh và thực thi cái mà chúng gọi là “Chiến lược tát nước (để) bắt cá", với những biện pháp dồn ép dân chúng phải sống trong các "Khu tập trung", "Ấp chiến lược"... nhằm tách rời, cắt đứt mối liên hệ "Quân-Dân, Cá-Nước" của ta, không thể nào hiểu nổi và cũng không bao giờ thành công được...! 

Đó cũng chính là một trong những truyền thống ngàn đời của dân tộc ta để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược dù chúng tàn bạo, hung ác hay thâm hiểm, xảo quyệt đến mấy chăng nữa...!!!

 

 Luật gia BÙI VIỆT CƯỜNG, Viện IBLA / VLA.

 

Xem thêm Văn Nghệ