Cốt lõi của Thành phố thông minh là Chính phủ điện tử

  • www.doanhtri.net
  • 19-09-2018
  • 605 lượt xem

(Chinhphu.vn) - Cốt lõi của Thành phố thông minh là Chính phủ điện tử, bên cạnh các cấu phần như giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến.

Ảnh minh họa

Cung cấp dịch vụ công tốt nhất phục vụ người dân

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về Thành phố thông minh Asocio Hà Nội ngày 18/9, đã diễn ra Hội thảo Chính quyền số và thanh toán thông minh. Ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết với diện tích hơn 3.340km2, dân số 7.5 triệu, bao gồm cả khách vãng lai khoảng 10 triệu người, thành phố có 27 sở, ban, ngành, 30 quận huyện cùng 584 xã phường.

“Đây là những dữ liệu quan trọng để Thành phố đưa ra các chính sách, trong đó, trọng tâm xây dựng chính quyền điện tử của Hà Nội là cung cấp các dịch vụ công tốt nhất, thuận tiện nhất để phục vụ người dân, đáp ứng nhu cầu và lợi ích người dân”, ông Đặng Vũ Tuấn khẳng định.

Thời gian qua, Thành phố đã triển khai các hệ thống thông tin trên một nền tảng ứng dụng đồng bộ, dùng chung, thống nhất, tạo tiền đề thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu. Cụ thể, cơ sở dữ liệu cho 7,5 triệu người dân đã được xây dựng xong, làm nền tảng cho cung câp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Hiện Thành phố đã cung cấp 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt gần 30% tổng số thủ tục hành chính.

“Cốt lõi của Thành phố thông minh là Chính phủ điện tử, bên cạnh các cấu phần như giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến”, ông Tuấn cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm của vùng Iskandar (Malaysia), bà Suhaily Abdul Hamid, Giám đốc Vụ phát triển xã hội, Cục phát triển vùng Iskandar, Bang Johor cho biết, mỗi 5 năm chính quyền Malaysia có kế hoạch quy hoạch tổng thể riêng. Với số lượng tại thành thị gia tăng, Malaysia cũng đối mặt với các thách thức của đô thị hóa, thúc giục chính quyền tập trung vào các mục tiêu đô thị thông minh và an toàn hơn.

Theo bà Suhaily Abdul Hamid, quá trình phát triển đô thị thông minh tại vùng Iskandar tập trung vào 6 bình diện là kinh tế, môi trường, giao thông, quản trị, lối sống và con người… Một trong những yếu tố chủ chốt là sự hợp tác, cộng tác của các cấp ngành để bảo đảm sự thành công trên mọi lĩnh vực.

Malaysia nói chung và vùng Iskandar nói riêng đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước phát triển để học các chỉ số so sánh, đánh giá cũng như phương thức thu hút nguồn tài chính vào các dự án thành phố thông minh. “Trong khi chính quyền có trách nhiệm đưa ra chính sách, giám sát, điều hành, các khu vực tư nhân chủ yếu đảm nhận các dự án cụ thể nhằm bảo đảm chất lượng và tiết kiệm ngân sách”, bà Suhaily Abdul Hamid thông tin.

Hạ tầng CNTT phải được xây dựng song song với quá trình đô thị hoá

Cũng trong chiều ngày 18/9, tại Hội thảo “Hạ tầng, nền tảng - cơ sở quan trọng cho các thành phố thông minh”, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển đô thị thông minh. Đặc biệt, Việt Nam hiện có 52 triệu người dùng internet, 55% người dân dùng điện thoại thông minh; phủ sóng 4G. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển đô thị thông minh. Trong đó có vấn đề nhận thức chung của xã hội cũng như các địa phương, bộ, ngành về phát triển đô thị thông minh còn nhiều khác biệt.

Ông Phạm Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, hầu hết các địa phương hiện mới chú trọng đến các ứng dụng đơn lẻ chứ chưa chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ sở, hạ tầng của đô thị thông minh. Cách thức tiếp cận này đã khiến cho việc sử dụng hiệu quả các ứng dụng thông minh còn nhiều hạn chế.

“Do đó muốn phát triển đô thị thông minh cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh, trong đó có nền tảng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống ICT được kết nối; cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho tổ chức và cá nhân trong đô thị”, ông Thái nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ KH&CN Nguyễn Nam Hải chia sẻ, Việt Nam đã có cả một Đề án cụ thể về xây dựng, phát triển đô thị thông minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần phải xây dựng được hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn chung, nhằm bảo đảm tích hợp một cách có hệ thống, hiệu quả các công nghệ khác nhau trong một hệ thống nền tảng của đô thị thông minh.

Phó Tổng Giám đốc VNG Vũ Minh Trí lại cũng cho rằng mấu chốt của việc xây dựng, sử dụng hiệu quả hạ tầng đô thị thông minh là phải có sự kết nối tốt, toàn diện các lĩnh vực của đô thị.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin phải được xây dựng song song với quá trình đô thị hoá của các thành phố. Nếu hạ tầng công nghệ thông tin đi sau sẽ khó đồng bộ và không phát huy được hết hiệu quả trong việc cung cấp các tiện ích đến người dân.

Thùy Linh

Xem thêm Thời sự