Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên thị trường UPCoM: Lời cảnh báo cho những doanh nghiệp không tuân thủ công khai, minh bạch!

  • www.doanhtri.net
  • 12-08-2020
  • 950 lượt xem
31 cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên sàn UpCoM từ đầu năn 2020 đến nay
 
(Pháp lý) – Vừa qua, Sở GDCK Hà Nội (HNX) thông báo danh sách 162 công ty nằm trong bảng cảnh báo tới các nhà đầu tư trên hệ thống sàn giao dịch UPCoM. Trong đó, có 11 công ty bị đình chỉ giao dịch; 137 công ty bị hạn chế giao dịch và 14 công ty có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng. Như vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, 31 Cty có cổ phiếu bị hạn chế giao dịch tập trung vào những nguyên nhân chủ yếu như: vốn chủ sở hữu âm, kiểm toán trái ngược với báo cáo tài chính, không công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm, không công bố thông tin đại hội cổ đông thường niên … một cách công khai, minh bạch tới nhà đầu tư.
 
Khi nào một cổ phiếu bị hạn chế giao dịch?
 
Pháp luật quy định có rất nhiều trường hợp cổ phiếu bị hạn chế giao dịch và thẩm quyền quyết định là do Sở Giao dịch Chứng khoán quyết định.
 
Điều 101 Luật chứng khoán năm 2013 quy định về Công bố thông tin của công ty đại chúng, theo đó, Công ty đại chúng phải công bố thông tin định kỳ về một hoặc một số nội dung: Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính 06 tháng đã được soát xét bởi công ty kiểm toán độc lập hoặc tổ chức kiểm toán được chấp thuận, báo cáo tài chính quý; Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên.
 
Luật chứng khoán Điều 37 về quyền của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán cũng quy định rõ: Sở Giao dịch chứng khoán ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin và thành viên giao dịch sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Và có quyền tạm ngừng, đình chỉ hoặc hủy bỏ giao dịch chứng khoán theo Quy chế giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán trong trường hợp cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư.
 
Như vậy có thể thấy rõ việc công khai, minh bạch trong công bố thông tin là yêu cầu bắt buộc đối với Cty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) thuộc trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) là sàn giao dịch “trung chuyển”, được thiết lập để khuyến khích các công ty chưa niêm yết tham gia vào thị trường chứng khoán. Công ty tham gia vào sàn UPCoM phải là công ty đại chúng chưa niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán và chứng khoán phải được đăng ký lưu ký ở trung tâm lưu ký (VSD).
 
Theo các quy định của Luật Chứng khoán và theo Quy chế niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 634/QĐ-SGDHN ngày 24 tháng 09 năm 2019 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) có qui định nêu rõ về trường hợp cổ phiếu của doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch do vi phạm quy định về vốn chủ sở hữu. Cụ thể, tổ chức đăng ký giao dịch bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét. Trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính tổng hợp. Trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch có công ty con thì vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất.
 
Ngoài ra, lý do các Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên sàn UPCom cũng liên quan đến việc các Cty đại chúng chậm công bố thông tin về nghĩa vụ tài chính hoặc “không tiến hành họp ĐHCĐ thường niên trong thời hạn quy định”.
 
Để công khai, minh bạch trong hoạt động chứng khoán, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, Điều 128 Luật chứng khoán về chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin cũng quy định: Tổ chức phát hành, công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư chứng khoán công bố thông tin không đầy đủ, kịp thời, đúng hạn, đúng phương tiện theo quy định; công bố thông tin sai sự thật hoặc làm lộ bí mật số liệu, tài liệu hoặc không công bố thông tin theo quy định của Luật này thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, buộc chấp hành đúng quy định của pháp luật về công bố thông tin.
 
 
“Những ông lớn” bị hạn chế giao dịch – cảnh báo nghiêm khắc về nghĩa vụ công khai , minh bạch
 
Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Nguyên nhân cổ phiếu VGT bị tạm ngừng giao dịch là do Vinatex đã không công bố thông tin về họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
 
Trước đó, theo dự kiến Vinatex sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 30/7/2020 nhưng tới ngày 28/7 bất ngờ công bố thông tin bất thường về nghị quyết hoãn họp ĐHĐCĐ với lý do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
 
Sau khi HNX ra thông báo tạm ngừng giao dịch cổ phiếu VGT, Vinatex dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ trong thời gian từ 15-18/8/2020. Chốt phiên giao dịch ngày 3/8, cổ phiếu VGT giao dịch tại mức giá 7.300 đồng/cổ phiếu.
 
Một “ông lớn” khác cũng nằm trong danh sách này là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, mã: VSF). Đầu tháng 6/2020, Vinafood 2 đã lên danh sách cổ đông, nhưng đến nay, công ty không có bất kỳ thông báo nào về kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên.
 
Đáng chú ý, cổ phiếu VSF vừa mới ra khỏi diện bị hạn chế giao dịch từ ngày 24/7/2020. Báo cáo tài chính quý I/2020 của Vinafood 2 thể hiện, doanh thu thuần đạt 2.205 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 116,9 tỷ đồng. Theo Vinafood 2, nguyên nhân thua lỗ là do chính sách xuất nhập khẩu gạo các nước thay đổi theo hướng tự do hóa thương mại và việc tạm ngừng xuất khẩu gạo do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giảm sản lượng bán, tăng chi phí bảo quản lưu kho và các chi phí khác.
 
Đặc biệt, một thành viên của Vinafood 2 cũng bị tạm ngừng giao dịch cổ phiếu là Công ty Cổ phần Tô Châu (mã: TCJ) . Trước đó, cổ phiếu TCJ bị hạn chế giao dịch cổ phiếu từ năm 2017 do công ty thua lỗ trong 2 năm 2017, 2018 khiến vốn chủ sở hữu bị âm, trước khi có lãi trở lại trong năm 2019. Được biết, Vinafood 2 đang sở hữu 65,4% cổ phần của Tô Châu
 
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VSF và TCJ đều giao dịch èo uột, thậm chí nhiều phiên không có giao dịch. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/8, VSF đứng ở mức giá 6.500 đồng/cổ phiếu, còn TCJ là 4.000 đồng/cổ phiếu.
 
Ngoài ra, Sở giao dịch Hà Nội còn công bố thêm những cổ phiếu khác cũng bị tạm ngừng giao dịch với lí do tương tự gồm Công ty Cổ phần Lương thực Bình Định (Mã: BLT), Công ty Cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng (mã: DSC), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang (mã: KGM), Công ty Cổ phần Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex – mã: LGM), Công ty Cổ phần Khoáng sản Latca (mã: LMC), Công ty Cổ phần SDP (mã: SDP).
 
Theo thông báo Cty CP Lương thực Bình Định (mã BLT) dự kiến họp ĐHCĐ vào ngày 29/5/2020 nhưng sau đó phải tạm hoãn vì dịch bệnh. Liên hệ thì Công ty cho biết “chưa biết lịch họp mới”. Trong khi đó, tình hình kinh doanh có chiều hướng đi xuống từ 2016 đến nay, khi lãi ròng giảm dần từ mức 21,2 tỷ đồng năm 2016 về còn 4 tỷ đồng năm 2019.
 
Tương tự, Cty CP XNK Kiên Giang (mã KGM) dự kiến tổ chức ĐHCĐ vào ngày 29/6/2020, sau đó tạm hoãn để có thêm thời gian chuẩn bị nội dung trình đại hội. Hiện tại, cổ đông KGM rất quan tâm đến khoản vay 1.550 tỷ đồng của Công ty. Tại ngày 31/12/2019, KGM có dư nợ 678,2 tỷ đồng trong đó vay ngắn hạn là 675,5 tỷ đồng.
 
Theo thông tin từ Sở giao dịch Hà Nội cho biết, sau khi doanh nghiệp công bố thông tin thì cổ phiếu sẽ được giao dịch bình thường. Trường hợp tiếp tục trì hoãn, HNX sẽ tiếp tục áp dụng hình thức hạn chế giao dịch.
 
CÁC CTY BỊ HẠN CHẾ GIAO DỊCH TRÊN UPCOM TỪ ĐẦU NĂM ĐẾN NAY
 
1 CTCP Thương mại Hà Tây HTT               20.000.000 26/06/2020
2 CTCP Landmark Holding LMH                 25.629.995 29/06/2020
3 CTCP Sữa Hà Nội HNM                           20.000.000 19/06/2020
4 Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVX              400.000.000 17/06/2020
5 CTCP Thép DANA – Ý DNY                    26.999.517 12/06/2020
6 CTCP Khoáng sản luyện kim màu KSK               23.888.000 04/06/2020
7 Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí – CTCP PVE               25.000.000 04/06/2020
8 CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn SPP               25.120.000 29/05/2020
9 Ban Quản lý và Điều hành Bến xe tàu BXT                      63.400 26/05/2020
10 CTCP Cầu 12 C12                                                            4.850.000 26/05/2020
11 CTCP Cà phê Thắng Lợi CFV                                          6.256.100 26/05/2020
12 Trung tâm Đăng kiểm phương tiện GT Thủy bộ DKH      212.036 26/05/2020
13 Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang HGA        778.181 26/05/2020
14 Trung tâm Quy hoạch – Kiến trúc tỉnh Hậu Giang HGC   55.000 26/05/2020
15 CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước HPI                         60.000.000 26/05/2020
16 CTCP Hestia HSA                                                             7.872.727 26/05/2020
17 Trung tâm Tư vấn xây dựng thị xã Điện Bàn QNT           134.050 26/05/2020
18 CTCP Xây dựng – Địa ốc Cao su RCD                            5.300.062 26/05/2020
19 CTCP Đầu tư và Xây lắp Thành An 386 TA3                 2.309.908 26/05/2020
20 Công ty TNHH MTV 145 TS5                                         314.122 26/05/2020
21 CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam VNI                     10.559.996 26/05/2020
22 Tổng Công ty Lương thực Miền Nam – CTCP VSF        500.000.000 26/05/2020
23 CTCP Đầu tư Thương mại Hưng Long tỉnh Hòa Bình SCC                 1.980.000 10/04/2020
24 CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Việt Nam VPC                 5.625.000 10/04/2020
25 CTCP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa PVH                                         21.000.000 10/04/2020
26 CTCP Kho vận Petec PLO                                                                7.192.550 10/04/2020
27 CTCP Phân phối Top One TOP                                                      25.350.000 09/04/2020
28 CTCP Đầu tư HVA HVA                                                                    5.650.000 17/03/2020
29 CTCP Thép Tấm lá Thống Nhất TNS                                             20.000.000 09/03/2020
30 CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang AGF                            28.109.743 24/02/2020
31 CTCP Bao bì Dầu thực vật VPK                                                     14.998.817 20/01/2020
 
Thành Chung  https://phaply.net.vn/
 
 
 

Xem thêm Tài chính