Cô lập carbon bằng phương pháp sinh học để ứng phó với xâm nhập mặn và nước biển dâng ở ĐBSCL

  • www.doanhtri.net
  • 06-05-2024
  • 284 lượt xem
TPO - Theo các chuyên gia, có thể sử dụng giải pháp cô lập carbon bằng phương pháp sinh học và đề xuất tích hợp vào các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại ĐBSCL để mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường.
 
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - STAMEQ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và nhóm các nhà khoa học Úc vừa phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về Giải pháp công nghệ, tiêu chuẩn ứng phó với nước biển dâng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nhằm gợi ý giải pháp công nghệ mới, tiêu chuẩn kỹ thuật để chủ động ứng phó với hiện tượng xâm nhập mặn và nước biển dâng.
 
Các nhà khoa học trong nước và nước ngoài cùng gợi mở, bàn luận về những giải pháp công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật để chủ động ứng phó với hiện tượng xâm nhập mặn và nước biển dâng ở ĐBSCL.
 
Cô lập carbon bằng phương pháp sinh học
 
Từ góc nhìn nông học, TS. Hoàng Thị Mỹ Linh - giảng viên Đại học Queensland, Úc cung cấp thông tin về các biện pháp đã và đang được ứng dụng thành công trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới để thích ứng và giảm tác động của nước biển dâng. Trong đó, nữ tiến sĩ nhấn mạnh tới giải pháp cô lập carbon bằng phương pháp sinh học và đề xuất tích hợp vào các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại ĐBSCL để mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường.
 
Theo TS. Linh, hiện nay, trên thế giới tập trung vào 3 hướng chính như chọn giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu ngập úng để trồng ở những vùng bị xâm mặn, ngập lụt; áp dụng các biện pháp, mô hình canh tác thích hợp; kiểm soát hệ thống thoát nước giúp quản lý nước trong vùng sản xuất nông nghiệp và giảm nguy cơ xâm mặn do nước biển dâng. Những biện pháp này hầu hết đều đã và đang được áp dụng ở ĐBSCL.
 
Tuy nhiên, một xu hướng mới trên thế giới đang được rất nhiều nước nghiên cứu và ứng dụng đó là sản xuất nông nghiệp phát thải ròng bằng không. Theo đó, tổng lượng khí nhà kính phát thải từ sản xuất nông nghiệp sẽ cân bằng với tổng lượng khí nhà kính trong không khí được hấp thu, cất giữ nhờ hệ thống sản xuất nông nghiệp”, TS. Linh nói.
 
Phân tích thêm, nữ tiến sĩ lý giải, nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng nước biển dâng là do sự ấm lên toàn cầu gây ra bởi sự tăng nhanh phát thải khí nhà kính, trong đó nhiều nhất là khí CO2. Trong khi đó, cây xanh lại có thể hấp thụ khí CO2 trong không khí và biến chúng thành các phân tử đường có chứa carbon thông qua quá trình quang hợp. Lượng carbon này được cất giữ trong sinh khối của cây bao gồm cả hệ rễ. Đây chính là cơ sở cho giải pháp cô lập carbon bằng phương pháp sinh học.
 
“Hiện nay, rừng là ví dụ điển hình nhất của giải pháp cô lập carbon bằng phương pháp sinh học. Trong bối cảnh thế giới đang phải sản xuất đủ lương thực để cung cấp cho dân số tăng nhanh, nếu chúng ta tích hợp được việc cô lập carbon bằng phương pháp sinh học vào hệ thống sản xuất lương thực sẽ đạt cả mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và mục tiêu đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng không”, nữ tiến sĩ cho biết.
 
Đặc biệt, việc tích hợp cô lập carbon vào trong các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại ĐBSCL nếu thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế. Theo TS. Linh, lợi ích kinh tế đến từ nguồn thu hoạt động xuất khẩu các sản phẩm có dán nhãn “carbon neutral”, “climate neutral”.
 
Ngoài ra, nếu tích luỹ được tín chỉ carbon từ quá trình sản xuất, người nông dân sẽ được tăng nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon. Về mặt môi trường, việc tích hợp cô lập carbon vào trong các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ góp phần làm giảm sự hiện diện của khí nhà kính trong không khí.
 
Hạn hán, xâm nhập mặn ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp. 
Ảnh minh hoạ: Nhật Huy - Xuân Lương
 
Quan trắc độ mặn của nước
 
Trình bày giải pháp công nghệ tại hội thảo, TS. Nguyễn Duy Duy (làm việc tại chương trình An ninh Nguồn nước, Viện Nghiên cứu Quốc gia Australia - CSIRO) đã giới thiệu về chương trình AquaWatch (một giải pháp kỹ thuật) với nhiều ưu điểm có thể được áp dụng ở ĐBSCL, tiêu biểu như ứng dụng quan trắc độ mặn của nước.
 
“Điều này giúp người nông dân có kế hoạch điều chỉnh nguồn nước phù hợp nhất với cây trồng, vật nuôi. Hệ thống cũng sẽ giúp quản lý tốt hơn sự xâm nhập mặn, giúp thiết lập bản đồ xâm nhập mặn của địa phương”, TS. Duy nói.
 
Thông tin thêm về giải pháp kỹ thuật AquaWatch, bà Janet Anstee - Phó Giám đốc chương trình AquaWatch cho biết, đây là một hệ thống tích hợp giữa việc đo đạc trực tiếp, cùng với hệ thống cảm biến chính xác và hệ thống hình ảnh vệ tinh với độ phủ sóng rộng.
 
Những dữ liệu trên sẽ được thu thập và xử lý ở trung tâm dữ liệu lớn có các mô hình môi trường kết hợp với trí tuệ nhân tạo để đưa ra chương trình quan trắc thời gian thực, hệ thống dự báo trước nhiều ngày cho chất lượng nước. Công nghệ quan trắc này cung cấp thông tin và dữ liệu không chỉ ở địa phương mà có thể triển khai ở quy mô toàn quốc để làm cơ sở cho hoạt động quản lý, quy hoạch nguồn nước, hay việc hoạch định chính sách quốc gia.
 
Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Duy Duy đã đề cập thêm một số ưu điểm của AquaWatch trong nông nghiệp. Cụ thể, việc giám sát chất lượng nước trong thời gian thực giúp các hộ nuôi trồng có thể giám sát điều kiện tăng trưởng tốt nhất cho tôm, cá và điều chỉnh chu kỳ ăn tương ứng. Việc cảnh báo sớm sẽ giúp chủ hồ đưa ra quyết định thay, lọc nước, tránh thủy hải sản tiếp xúc với nguồn nước độc hại.
 
Mặt khác, khi thời tiết nắng nóng kéo dài, khô hạn vào mùa hè và lưu lượng dòng chảy thấp, tảo độc có thể phát triển quá ngưỡng cho phép, đe dọa sự phát triển của thủy hải sản. Giải pháp kỹ thuật này sẽ giúp xác định các quy trình phát triển của tảo dựa trên màu sắc của nước. Những hình ảnh màu sắc này được sẽ được xử lý, đo đạc bằng cảm biến đa phổ trực tiếp…
 
“Hệ thống cũng có thể giúp phát hiện sớm sự phát triển của vi khuẩn hiếu khí, gây giảm lượng oxy trong nguồn nước. Cảnh báo của chúng tôi sẽ giúp người dân không sử dụng nguồn nước độc hại này cho sản xuất, sinh hoạt. Hoặc các công ty dịch vụ cung cấp nước có thể ngăn chặn sự lây lan của nguồn nước ô nhiễm trên vào các trang trại thủy hải sản, và di chuyển tôm, cá ra khỏi nguồn nước đó”, TS. Duy cho hay.
 
Châu Linh  (tienphong.vn)
 

Xem thêm Thời sự