CHUYẾN HÀNH TRÌNH TÌM VỀ THIÊN NHIÊN
Nguyễn Hồng Vy

  • www.doanhtri.net
  • 17-12-2018
  • 979 lượt xem

Nguyễn Thông rời Phan Thiết để bắt đầu chuyến hành trình tìm về thiên nhiên vào cuối những năm 1800. Vượt qua bao đồi cát chập chùng và bãi biển dài vô tận, ông đã khám phá ra bao cảnh đẹp hùng vĩ của quê hương từ Phan Thiết đến Đà Lạt ngày nay.

Đọc về Nguyễn Thông, tôi không khỏi tò mò về người đàn ông Việt với niềm đam mê khôn nguôi dành cho khám phá. Đối diện với thiên nhiên, Nguyễn Thông đã nghĩ gì về rừng sâu, suối bạc? Núi rừng đã mách bảo ông điều gì về vận mệnh quốc gia vào thời điểm đầu Pháp thuộc? Ông đã định hình Việt Nam trong trái tim mình như thế nào sau cuộc hành trình gian khổ? Và ông đã định nghĩa gì về “con người Việt Nam” vào thời kì quá độ của văn minh?

Tôi đã thử hoá thân thành Nguyễn Thông để tìm về núi rừng Tà Năng-Phan Dũng vào ngày 14/12/2018. Tuy không cưỡi la như Nguyễn Thông, tôi cũng kịp nhận ra hai con la thồ hàng đống thực phẩm và lều trại đang đứng chờ chúng tôi tại trạm Đà Loan. Khác với Nguyễn Thông, tôi đã không đi với 40 người tuỳ tùng. Thay vào đó, cùng chia sẻ trải nghiệm với tôi là 24 thành viên, trong đó có gia đình 5 người và chú chó 8 tuổi Bôba. Hầu hết các bạn trẻ mang nhiều mục đích để trải nghiệm cung đường kì thú này. Có người đi để tìm thấy mình, có người đi để thử mình, và cũng có người đi để hiểu mình, hiểu thiên nhiên.

Gia đình tôi đã chuẩn bị thật kĩ cho chuyến du kí cách đây gần một tháng qua việc đặt rất nhiều câu hỏi với ban tổ chức và mua sắm các vật dụng cần thiết cho chuyến vượt rừng. Tôi cũng không khỏi quan tâm đến mẹ tôi, người rất ít kinh nghiệm đối với mạo hiểm, và đã đặc biệt khuyên mẹ mua một chiếc giày Salomon cực tốt đối với địa hình hiểm trở. Bố tôi là một người giàu kinh nghiệm đối với thiên nhiên, đặc biệt là biển cả, nên ông chuẩn bị vật dụng rất sớm, từ ba lô, áo mưa lính, lương khô, và dầu bật lửa. Tuy chuẩn bị là thế, nhưng một điều mà chúng tôi không tài nào đoán trước được: đó là, độ dai dẳng của mưa vùng núi.

Từng giọt mưa rơi nhẹ trên đầu khiến chúng tôi cảm thấy sảng khoái khi bắt đầu cuộc hành trình. Đoàn 24 người hứng khởi nhảy lên chiếc xe cày của dân bản địa để được chở từ thị trấn đến bìa rừng. Do đông người, nên một số phải đứng ngả nghiêng trên chiếc xe cày. Mấy bàn tay xa lạ cứ vậy mà nắm lấy nhau để hỗ trợ mỗi khi xe sóc ổ gà. Tôi nhủ thầm với mẹ, “hệt như đi di cư vậy mẹ nhỉ.”

Đi được một đoạn thì tất cả chúng tôi phải xuống xe vì đường bắt đầu hiểm trở. Trời đã sáng mà vẫn không thấy ánh mặt trời đâu, chỉ thấy mưa phùn tiếp tục rơi. Chúng tôi lần theo các thành viên để băng qua các đường đất lầy lội, bị hớp hồn bởi cảnh núi đồi ẩn ẩn hiện hiện sau làn sương xám. Tôi thầm nghĩ, “Nguyễn Thông đã thực hiện chuyến du kí của mình vào mùa hè, nên chắc hẳn cảnh còn đẹp hơn như thế này nữa.”

Đến gần 11 giờ trưa, mặt trời vẫn ngoan cố ẩn sau mây mờ, cả đoàn bắt đầu đối mặt với những con suối nằm dưới dốc trơn khoảng 1 mét. Trưởng đoàn hô to “đi qua từng người một thôi!” Rồi từng người cẩn thận bám sát lấy sườn đất màu cam ẩm ướt vì mưa. Chốc chốc lại có người trượt chân khiến cả đoàn phải nín thở. Đi qua cầu đòi hỏi sự tập trung cao độ vì chiếc cầu gỗ thô sơ được đặt ngang qua suối với nước chảy siết. Tất thảy mất gần 20 phút để băng qua dòng nước lạnh ngắt ấy.

Chú chó Bôba bắt đầu run rẩy vì bị treo lủng lẳng trước ngực tôi gần 2 giờ đồng hồ. Nó ướt mẹp, lộ rõ hai mắt trơ trong mớ lông sũng nước. Tôi đành đặt nó xuống để đi bộ, hi vọng thể dục sẽ giúp nó ấm hơn. Không hiểu do thích hay do sợ hãi mà Bôba cứ thế chạy bon bon. Gia đình tôi cố bám sát lấy các thành viên khác mặc dù đã là những người cuối. Sau chúng tôi duy nhất chỉ còn anh dẫn đoàn, người lúc nào cũng phải đi sau cùng để tránh thất lạc khách.

Chúng tôi đã vượt qua chục ngọn đồi với hàng nghìn rễ cây nổi lên, hệt như mạch máu của rừng sâu và băng qua cả chục con suối vàng. Cuối cùng đến hơn một giờ trưa, cả đoàn ngồi nghỉ tại một gốc thông lớn. Vì mưa to tiếp tục ập xuống, chúng tôi mau ăn vội ổ bánh mì, bánh tét, rồi lại lên đường. Dốc thẳng đứng xuất hiện trước mắt tôi, nhưng chẳng ai trong đoàn có thời gian nản chí.

Đoạn chúng tôi đi được nửa đường, đến đỉnh đồi gió lộng lạnh thấu xương sau 5 tiếng vượt rừng, tôi không còn tâm trí đâu để chụp cảnh đẹp. Vì còn đến gần 5 tiếng nữa mới đến điểm hạ trại, tôi buộc phải tiếp bước vì Bôba run cầm cập trong lòng.

Tuy nhiên, đỉnh đồi mà cả đoàn đang đứng có hai hướng đi. Một là đường vòng, không cao lắm, nhưng khá xa. Và hai là đường dốc thẳng. Tôi đã chọn đường vòng vì phải đang vác con chó. Đang đi, thì bỗng nhiên tiếng bố tôi la lên: “Hồng! Đừng! Đừng! Khônggggg!!!!” … Tôi nghe tiếng mẹ kêu lớn, vang vọng trong rặng đồi. Sợ quá, tôi chạy vội đến con đường dốc thẳng, thì bác thành viên lớn tuổi đi đằng sau tôi nói chậm “chạy từ từ thôi, té thì đã té rồi, có chạy nhanh thì cũng chẳng làm được gì.” Nghe vậy, tôi lấy lại bình tĩnh đi đến bên mẹ.

Đoàn khách đã kịp vây quanh mẹ tôi. Trưởng đoàn ngay lập tức sơ cứu bằng thuốc lá, vì chai cồn mà bố mang theo không phù hợp trong điều kiện thám hiểm (do cồn sẽ làm cay mắt và khiến người bị thương không nhìn thấy đường mà đi tiếp).

Mẹ tôi ngồi đó, im lặng để được sơ cứu. Máu trên mặt mẹ tiếp tục chảy lan ra đầy mặt. Tôi nghe ai đó nói, “chết rồi, không cầm được máu.” Tôi thấy sợ và chạy đi nơi khác, không thể nhìn người thân mặt đầy máu được. Mẹ im lặng chịu đựng, rồi nói với bố tôi đúng một câu “đi về Sài Gòn thôi.” Thế là cả nhóm 5 người chúng tôi quyết định xuống núi sau cuộc chia tay ngậm ngùi với các thành viên còn lại.

Xuống núi. Không dễ chút nào. Xuống núi đồng nghĩa với việc phải đi lại cho hết đoạn đường cũ. Vì là rừng nguyên sinh, xe không thể dễ dàng tiếp cận chúng tôi được. Chúng tôi buộc phải ngồi chờ với một người dẫn đoàn khác. Sóng điện thoại lại rất yếu nên chỉ có thể phụ thuộc vào thời tiết để bắt sóng mà gọi cứu hộ.

Trong cơn mưa, chúng tôi ngồi trong chiếc áo lính bố mang theo. Thiên nhiên tiếp tục dội xuống những đợt mưa và gió lạnh không thể tả. Bôba đã được quấn kĩ bằng giấy bạt của lính. Gió thổi lớn. Tiếng ù ù của những hàng thông va đập nhau càng làm con chó hãi sợ. Tôi cũng sợ và nghĩ về Nguyễn Thông, “ông đã nghĩ gì về rừng?” Dưới sức mạnh của thiên nhiên, cảm giác vô vọng bao trùm. Tôi như nhỏ bé. Nỗi buồn, nỗi lo, nỗi giận đều nhỏ bé. Thiên nhiên không cho phép ai phàn nàn, không cho phép ai chửi rủa. Loài người có là gì. Xã hội điêu tàn có là gì. Quan liêu ư? Có là gì đối với rừng thông bạt ngàn và gió lộng. Chắc chắn Nguyễn Thông đã nghĩ vậy khi đối diện với mẹ Thiên Nhiên.

Đến gần 2 tiếng, ba thanh niên lực lưỡng xuất hiện. Họ vui vẻ mang vác đồ đạc của chúng tôi. Một trong số họ cõng mẹ xuống núi, và hai người còn lại dẫn bốn bố con chúng tôi vượt rừng để đến xe máy của họ. Ba chiếc xe máy được độ bằng các dây xích ở dưới bánh. Tôi kịp nhận ra ba thanh niên là những người cưa gỗ lậu. Tuy vậy, khuôn mặt họ rất hiền lành và sẵn sàng đưa gia đình tôi đi tìm trạm xá để cứu mẹ.

Đoạn đường ra đến bìa rừng thật gian nan. Gần 3 tiếng đồng hồ trên ba chiếc xe tự chế leo đồi, đổ dốc, băng suối. Chân tôi cứ thế bám víu lấy nền đất ướt để hỗ trợ cho người tài xế. Tôi đã bọc Bôba thật kĩ trong giấy bạt nên chú chó cũng tạm ổn trong vòng tay của tôi.

Trời sập tối và bìa rừng gần ló dạng. Vì cả ba xe đều không trang bị bóng đèn, nên chúng tôi buộc phải dừng lại ở một ngôi nhà gỗ. Tôi chạy vội vào căn nhà để tránh gió. Cô chủ nhà hỏi han và tỏ ra rất đồng cảm với tai nạn của mẹ. Cô muốn làm gì đó giúp chúng tôi. 
“A con chó mẹ ơi!” bé gái kêu lên và cô chủ nhà đến bên tôi. “Ôi con chó tội nghiệp. Nó có cần áo choàng không?” cô hỏi. “Không, đừng lấy áo của con!” bé gái trả lời. Nhưng người mẹ vẫn chạy ù vào phòng, lấy ra chiếc áo ấm cũ của bé gái.

“Không, em không thể lấy áo của em gái này được chị ơi” Tôi vẫy tay với cô chủ. Bé gái ngay lập tức cười với tôi và nói giọng dân tộc miền núi, “Không, cứ lấy đi”

Rồi tôi cảm ơn. Cô chủ ấy còn yêu cầu tôi cho con chó vào phòng để sấy tóc. Nhưng vì không kịp thời gian khi trời sập tối, nên tôi lại theo gia đình đi tiếp thêm 30 km nữa để đến trung tâm thị trấn Đức Trọng.

Đường tối mịt. Tôi không còn biết gì về hiểm nguy nữa, chỉ biết cúi gầm mặt vào lưng người tài xế mà răng cứ bập vào nhau nghe lách cách.

Đến được trung tâm vào khoảng 7 giờ tối. Được tin chuyến xe buýt cuối cùng sẽ rời thị trấn lúc 8.30giờ, nên chúng tôi mau chóng được đưa đến nhà dân để thay quần áo. Bố mẹ tôi thì đi tìm bệnh xá để rửa vết thương.

Khi đến nhà dân ở cách đó 5 phút, tôi bàng hoàng trong sự chào đón nồng hậu của chủ nhà, gồm hai phụ nữ và hai bé gái. Họ cảm thông cho cái lạnh của chúng tôi, đun nước nóng để chúng tôi dội sơ người, cho chúng tôi máy sấy để sưởi ấm cho chú chó bẩn thỉu, tội nghiệp, và lấy áo ấm choàng vào chúng tôi. Trong khi sấy tóc, tôi đã trò chuyện rất vui với hai bé gái Ong và Sâu. Bé lớn 5 tuổi, còn bé nhỏ chỉ 2 tuổi. Nụ cười răng sún khiến tôi quên hết cái mệt, chỉ thầm biết ơn rằng mình đã gặp thật nhiều ân nhân trong ngày.

Vết thương của mẹ tôi đã được xử lý sạch sẽ. Cả đoàn đã sẵn sàng lên đường về nhà. Đến 8giờ30, chúng tôi đến được chuyến buýt cuối cùng sau cuộc chia tay nồng ấm với gia đình của Ong và Sâu.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi để lại hoa, trăng, và rừng vàng của Tà Năng để đem về cái tình của người miền thượng. Như Nguyễn Thông đã nói, “còn như hoa rừng, trăng biển, buồm ngư phủ, chòi tiều phu cùng những cảnh khói mây thay đổi…, cảnh ấy có thể giúp cuộc thưởng thức của tao nhân,” tôi đã mang ra khỏi rừng với ánh nhìn về Việt Nam rất khác. Con người Việt Nam vẫn tương thân tương ái, cảnh đẹp Việt Nam vẫn bao la trên cả sự tưởng tượng nhỏ bé của tôi. Khi chọn sống với thiên nhiên, chắc hẳn Nguyễn Thông đã quên đi nỗi đau của nước nhà. Tôi đã hiểu được vì sao, mặc dù so với ông, tôi còn sung sướng lắm.

Nguyễn Hồng Vy

Xem thêm Văn Nghệ