Chuyên gia lưu ý một số vấn đề trong Quy định bỏ cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975 theo Nghị định mới

  • www.doanhtri.net
  • 20-01-2021
  • 615 lượt xem
Tháng 12 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP (Bấm tải) quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài). Nghị định có hiệu lực thi hành vào tháng 2/2021. Nghị định có nhiều nội dung mới, được cho là đã đơn giản hóa thủ tục trong việc cấp phép.
 
Theo Nghị định, Chính phủ đã bỏ quy định cấp phép tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 ở Việt Nam ở miền Nam và sáng tác của người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên, Chuyên gia cũng lưu ý một số vấn đề.
 
Một số nội dung chính của Nghị định 144/2020/NĐ-CP (Bấm tải)
 
Theo Điều 2 Nghị định 144, hoạt động nghệ thuật biểu diễn là hoạt động tạo ra những sản phẩm nghệ thuật được định hình dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh để truyền đạt trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện kỹ thuật tới công chúng dưới các hình thức biểu diễn nghệ thuật; lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật. Loại hình nghệ thuật biểu diễn bao gồm: Sân khấu, âm nhạc, múa và các hình thức diễn xướng dân gian từ truyền thống đến hiện đại của Việt Nam và thế giới.
 
Về đối tượng áp dụng
 
Nghị định 144/2020/NĐ-CP (Bấm tải) áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sau:
 
- Các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
 
- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
 
- Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
 
Về điều kiện tổ chức biểu diễn nghệ thuật
 
Để được tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện sau:
 
- Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật.
 
- Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
 
- Có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
 
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trên địa bàn quản lý, không thuộc trường hợp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận.
 
Đồng thời, trước khi tổ chức biểu diễn, đơn vị tổ chức có trách nhiệm thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức biểu diễn theo quy định.
 
Dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật
 
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật bằng văn bản đối với một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 144/2020/NĐ-CP (Bấm tải), cụ thể như sau:
 
- Vi phạm quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn (quy định tại Điều 3 Nghị định này).
 
- Không thông báo hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
 
- Vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp.
 
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật là cơ quan tiếp nhận thông báo hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận quy định tại Nghị định này. Văn bản yêu cầu dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải nêu rõ lý do, thời điểm dừng.
 
Ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu
 
Cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, bao gồm:
 
1. Có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi.
 
2. Không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
 
3. Không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cá nhân cư trú cấp văn bản xác nhận dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài. Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục gồm có: Tờ khai về việc ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu (theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này); phiếu lý lịch tư pháp số 1; bản sao giấy mời dự thi kèm theo bản dịch tiếng Việt có chứng thực chữ ký người dịch.
 
Cá nhân chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản xác nhận dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài theo thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP thì không được sử dụng danh hiệu đạt được tại cuộc thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam.
 
Bỏ cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 ở miền Nam và sáng tác của người Việt ở nước ngoài
 
Nghị định 144/2020/NĐ-CP là Nghị định sửa đổi của hai Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP. Vào tháng 2/2019, khi chủ trương sửa đổi hai Nghị định 79 và 15 về biểu diễn nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975.
 
Theo quy định của hai Nghị định trước, các tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam ở hải ngoại phải xin được cấp phép phổ biến, sau đó mới được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
 
Điều này gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng những ca khúc này là tài sản cá nhân của tác giả, phần lớn có nội dung lành mạnh. Việc xin cấp phép mỗi lần có hoạt động biểu diễn lại rất phức tạp. Câu hỏi xoay quanh việc có cần cấp phép những ca khúc trước năm 1975 hay không xảy ra từ đầu năm 2017, với rất nhiều ý kiến tranh luận và phản ứng gay gắt từ khán giả.
 
Vì vậy, với Nghị định mới này, việc cấp phép phổ biến tác phẩm sẽ bỏ hoàn toàn.
 
Một số vấn đề cần lưu ý
 
Để tìm hiểu rõ hơn về quy định này, phóng viên Chuyên trang Pháp luật và Bản quyền đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Đỗ Văn Uân (Chuyên gia Sở hữu trí tuệ, Trung tâm quyền tác giả Việt Nam-VCOP).
 
Phóng viên: Ngày 14/12/2020 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Điều nổi bật nhất Nghị định này là Chính phủ đã không còn quy định phải cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 ở miền Nam và sáng tác của người Việt ở nước ngoài. Chuyên gia có thể giải thích rõ hơn về quy định này không?
 
Chuyên gia: Theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP trước đây, việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật được tách thành hai nhóm với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài và tác phẩm sau năm 1975.
 
Với tác phẩm sáng tác sau năm 1975 sẽ không cần phải cấp phép phổ biến mà chỉ cần cấp phép biểu diễn theo từng chương trình cụ thể. Tuy nhiên, với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam ở hải ngoại phải được cấp phép phổ biến, sau đó mới được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Như vậy, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đã bỏ quy định cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.
 
Phóng viên: Với Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012, việc yêu cầu cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 ở miền Nam và sáng tác của người Việt ở nước ngoài có những thiếu sót hay khó khăn gì mà phải thay đổi như Nghị định mới đây?
 
Chuyên gia: Việc cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 ở Miền Nam và sáng tác của người Việt ở nước ngoài có một số bất cập, hạn chế như:
 
- Cơ sở dữ liệu ca khúc chưa chính xác, cập nhật chậm và bị động nên gây những tác động không đáng có, thí dụ như việc cập nhật danh sách những bài hát được chính thức cấp phép, trong đó có bài “Tiến quân ca”, “Nối vòng tay lớn” đã nhận được phản ứng lớn từ dư luận bởi đây là những tác phẩm đã gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc nên việc cấp phép đối với những bài hát này có thể là "thừa".
 
- Cách thức hoạt động của Cơ quan quản lý chưa thông thoáng.
 
Phóng viên: Vừa qua, ông Trần Hướng Dương - Cục phó Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định việc bỏ cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu nhằm "tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển và tạo không gian sáng tạo cho văn nghệ sĩ".
 
Theo chuyên gia, điều kiện mà ông Dương nói đến là gì và đem lại lợi ích như thế nào đối với giới văn nghệ sĩ nói riêng và đối với khán giả nói chung?
 
Chuyên gia: Việc bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975 sẽ giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho nghệ sỹ, các đơn vị tổ chức các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đối với khán giả sẽ được thưởng thức những tác phẩm thắm đượm tâm tư người lính gắn với tình yêu đôi lứa hay tình cảm quê hương đất nước.
 
Phóng viên: Chuyên gia có đánh giá gì sự thay đổi mới này của Nghị định 144/2020/NĐ-CP? Liệu có bất cập gì khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển từ kiểm tra trước sự kiện sang kiểm tra sau sự kiện là chủ yếu?
 
Chuyên gia: Việc bỏ quy định cấp phép ca khúc trước năm 1975 hoặc ca khúc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài là động thái tích cực của Cơ quan có thẩm quyền về quản lý văn hóa.
 
Tuy nhiên, bản chất của việc thay đổi này chỉ nằm ở phạm vi quản lý, chuyển thời điểm quản lý từ trước sang sau nên người nghệ sỹ, nhà tổ chức sản xuất và tổ chức biểu diễn vẫn phải nâng cao ý thức trách nhiệm, phải hiểu biết các điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bao gồm:
 
- Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
- Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
 
- Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
 
- Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
 
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn chuyên gia Đỗ Văn Uân về cuộc trao đổi lần này.
 
Ngoài ra, khi trao đổi với chúng tôi, Chuyên gia Đỗ Văn Uân cũng bày tỏ lo ngại vì các quy định về xử phạt các vi phạm về hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở nước ta còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Quy định bỏ cấp phép của Nghị định có thể sẽ để lại nhiều vấn đề như yêu cầu về hậu kiểm như thế nào, phát hiện và xử phạt ra sao? Đây vẫn là một dấu hỏi lớn chưa thể trả lời khi Nghị định còn chưa chính thức có hiệu lực.
 
Nghị định 144/2020/NĐ-CP (Bấm tải) quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2021.
 
 

Xem thêm Tin Pháp luật