Chống thất thu thuế từ kinh doanh online, chuông đã điểm!

  • www.doanhtri.net
  • 07-12-2017
  • 679 lượt xem

 

(Chinhphu.vn) - Việt Nam đang từng bước tiệm cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – nơi mà ở đó thành tố thương mại điện tử trên nền tảng kinh tế chia sẻ hoặc thông qua công cụ mạng xã hội đã phá vỡ mọi rào cản về biên giới địa lý. Câu hỏi đặt ra là ngành thuế đang chống thất thu từ hoạt động kinh doanh online ấy ra sao?

Ảnh minh họa.

Băn khoăn với “muôn hình vạn trạng” kiểu kinh doanh online

Chống thất thu thuế từ các mô hình kinh doanh online là chủ điểm đã được các cơ quan chức năng nhắc đến từ lâu. Và tại kỳ họp thứ 6 của HĐND TPHCM khóa IX, những áp lực về dự toán thu ngân sách ngày càng tăng một lần nữa đã khiến mục tiêu thu thuế từ kinh doanh online được nhiều đại biểu đưa vào phần chất vấn lẫn thảo thuận sôi nổi.

Đại biểu Cao Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình TPHCM nêu ý kiến cho rằng, thuế với thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên quốc gia nói riêng cần phải được quản lý chặt chẽ hơn. Bởi chỉ riêng dòng tiền giao dịch trực tuyến trong ngành truyền thông quảng cáo đã xấp xỉ 1 tỷ USD/năm.

Gần tương tự, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, cho rằng nhiều nghệ sĩ hoặc những người nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu, làm quảng cáo cho các nhãn hàng bằng chính các hoạt động viết bài, live stream… thông qua mạng xã hội. Nguồn thu từ các hoạt động ấy là không hề nhỏ. Trong khi đó, câu hỏi về nghĩa vụ thuế của nhóm cá nhân này dường như vẫn còn bỏ ngỏ.

“Cơ quan thuế đã làm gì để đảm bảo thúc đẩy tính công bằng về thực hiện nghĩa vụ thuế giữa mọi người? Đừng để tình trạng người thu nhập cao thì đóng ít còn người thu nhập ít thì phải đóng đủ”, bà Châu chất vấn.

Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có trụ sở ở nước ngoài, làm sao quản lý dòng tiền này để chống thất thu thuế đang là câu hỏi lớn với các nhà quản lý. Hơn nữa, quản lý thuế thông qua hình thức hóa đơn đỏ như hiện nay đã vô hình trung đẩy các hoạt động thương mại điện tử thanh toán qua thẻ ra ngoài phạm vi “phủ sóng” của cơ quan thuế.

Đã gửi khuyến nghị thuế đến 13.800 tài khoản facebook

Là người giữ một trong những chiếc ghế “nóng” nhất phiên họp ngày 6/12, Cục trưởng Cục thuế Trần Ngọc Tâm cho hay “nếu là giao dịch thuần túy trong nước thì có thể chi phối bằng các luật lệ hiện hành, còn những hoạt động thâm nhập vào trên nền tảng kinh tế chia sẻ thì đúng là chúng ta còn lúng túng”. Người đại diện cơ quan thuế TPHCM cũng khẳng định ngành thuế mới đang trong giai đoạn “tìm hiểu” các hình thái giao dịch của thương mại điện tử tại Việt Nam.

Bước đầu, cơ quan thuế đã phối hợp sở Công thương TPHCM xác định có 297 sàn giao dịch thương mại điện tử, hơn 8.170 website bán hàng và 73 trang mạng xã hội được cấp phép hoạt động.

Riêng TPHCM cũng có khoảng 13.800 tài khoản facebook quảng bá sản phẩm hoặc có hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, xác minh cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn tham gia hình thức giao dịch điện tử trên trang mạng xã hội và các sàn giao dịch đều là những đơn vị đã có đăng ký thuế.

Còn một số dạng chưa đăng ký thuế, đặc biệt là dưới dạng các nichname trên facebook thì ngành thuế TPHCM cũng đã nhận dạng và bước đầu phát động ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của người kinh doanh.

Những tháng vừa qua, cơ quan thuế đã gửi thư đến gần 13.800 nickname faceboook, qua đó đã lập biên bản xác định số liệu kinh doanh với gần 3.780 tổ chức, cá nhân.

Sẽ “phủ sóng” mọi giao dịch mua bán online

Người đại diện Cục thuế TPHCM cũng khẳng định những doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh online còn cố tình lách luật chắc chắn sẽ bị xử lý.

Gần nhất là trường hợp một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mỹ phẩm nhưng toàn bộ các thanh toán đều thông qua tài khoản cá nhân, chứ không qua tài khoản của doanh nghiệp. Từ “vỏ bọc” hộ kinh doanh cá thể của cá nhân này, cơ quan thuế còn phát hiện ra một mạng lưới giao dịch mua bán với các đối tác khác. Bước đầu ngành thuế TPHCM đã truy thu được khoảng 8 tỷ đồng tiền thuế chỉ riêng ở nhóm kinh doanh này.

Tính chung cho đến nay, tổng số tiền truy thu từ các hoạt động kinh doanh trên mạng là hơn 21 tỷ đồng. “Con số này tuy không lớn nhưng bước đầu đã xác lập được quan hệ quản lý thuế với doanh nghiệp kinh doanh online và đặt ra giải pháp cho những năm sau này”, ông Tâm nhận xét.

Trước các câu hỏi làm sao quản lý thuế với kinh doanh online khi các giao dịch tại Việt Nam hiện vẫn còn chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, ông Tâm cho hay trong định hướng chung các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đã có đề xuất tất cả giao dịch thương mại có giá trị 10 triệu đồng (thậm chí có thể từ 5 triệu đồng) phải thanh toán qua ngân hàng.

Đây là đề xuất không chỉ để đáp ứng các yêu cầu về quản lý thuế mà còn phục vụ cho nhiều công tác quản lý nhà nước khác. Bộ Tài chính cũng đang đặt vấn đề năm 2018 sẽ ban hành hóa đơn điện tử. Từ đây sẽ có thể quản lý được tiền thuế thông qua cả hóa đơn điện tử và kênh thanh toán qua ngân hàng.

Về hiện tượng nhiều tổ chức có trụ sở ở nước ngoài như Youtube, Facebook, Google… thực hiện kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ du lịch trong nước và du khách rồi nhận chia sẻ một phần lợi nhuận từ các giao dịch này, ông Tâm cho hay “nếu người giới thiệu được thanh toán tiền trực tiếp từ doanh nghiệp tại Việt Nam thì phải thực hiện kê khai và nộp thuế nhà thầu”.

Trường hợp các tổ chức tại Việt Nam mua hàng tại Việt Nam nhưng đôi bên lại thanh toán tiền ở nước ngoài cũng đã được cơ quan thuế phối hợp với ngành ngân hàng “đưa vào tầm ngắm”. “Hiện ngành thuế đang báo cáo Bộ Tài chính để có cơ chế thu thuế với dòng tiền này”, đại diện Cục thuế TPHCM khẳng định.

Phương Hiền

Xem thêm Thời sự