Chính sách tiền tệ: Kiên định trong môi trường nhiều bất định

  • www.doanhtri.net
  • 12-08-2022
  • 419 lượt xem
Tín dụng tăng rất nhanh, nhưng nguồn huy động vốn của ngân hàng chỉ tăng 4,21%. Ảnh: Quang Anh
 
Nói về định hướng điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng: “Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, phân tích kỹ lưỡng những động thái của ngân hàng trung ương các nước và những thay đổi chính sách vĩ mô trong nước để có những quyết sách, hành động hướng đến mục tiêu “bất di bất dịch” của ngành, đó là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an toàn hệ thống...”.
 
Áp lực lạm phát trong dài hạn
 
Theo công bố từ Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008 - thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới gần đây nhất. Điều này lý giải cho việc, chỉ trong vòng 12 tháng trở lại đây, ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã tiến hành 196 lượt tăng lãi suất nhằm đối phó tình trạng lạm phát tăng quá nhanh.
 
Điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cuối tháng 7/2022 tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ hai liên tiếp và là lần tăng thứ tư trong bảy tháng qua. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa có lần tăng lãi suất thứ sáu từ đầu năm đến nay, đưa lãi suất của Anh lên 1,75%. Với dự báo lạm phát có thể lên đến 13,3%, BoE khẳng định sẽ còn những lần điều chỉnh lãi suất mạnh trong thời gian tới. Hay như Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã quyết định nâng lãi suất lên 1,85% và đây cũng là giai đoạn RBA có tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong gần 30 năm qua.
 
Đối với Việt Nam, theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so tháng trước, tăng 3,59% so tháng 12/2021 và tăng 3,14% so cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý) tháng 7/2022 tăng 0,58% so tháng trước, tăng 2,63% so cùng kỳ năm trước. Bình quân bảy tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so cùng kỳ năm 2021.
 
Trong báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8/2022 vừa công bố, WB dự báo: Theo kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022 và đạt mức 6,7% trong năm 2023, nhưng Việt Nam hiện phải đối mặt các rủi ro gia tăng. Mặc dù WB dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2022 chỉ vào khoảng 3,8% nhưng rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải đối mặt nhiệm vụ khó khăn là làm sao cân bằng giữa tiếp tục chính sách hỗ trợ để củng cố quá trình phục hồi kinh tế với mục tiêu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính đang phát sinh.
 
Theo WB, hiện lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát và nền kinh tế vẫn nằm dưới mức tiềm năng, nên chính sách tiền tệ nới lỏng dường như vẫn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản tăng tốc và lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4% - Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền.
 
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
 
Sau tác động cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 dẫn đến lạm phát 20% tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa khi nào lơ là nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra hằng năm. Bởi khi lạm phát tăng, sức cầu sẽ giảm, dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế. Năm nay, GDP Việt Nam được dự báo sẽ tăng hơn 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội thông qua (6,5%). Nhưng với đặc thù độ mở nền kinh tế lớn, trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố bất định như hiện nay, để duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô chúng ta cần quyết sách nhằm "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
 
Các chuyên gia nhận định: Sức ép lạm phát tăng mạnh trong thời gian tới sẽ đến từ cả cầu kéo (cầu đầu tư và tiêu dùng tăng nhanh sau đại dịch) và chi phí đẩy (hơn 90% nguyên, nhiên liệu, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất hàng hóa của Việt Nam phải nhập khẩu trong khi giá cả hàng hóa thế giới đã, đang không ngừng tăng). Cung tiền lớn sẽ làm tăng áp lực lên lạm phát, nên công cụ hữu hiệu nhất Ngân hàng Nhà nước sử dụng để hạn chế cung tiền là van tín dụng. Điều này lý giải vì sao dù cầu tín dụng tăng mạnh (tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so cuối năm ngoái) nhưng đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với kế hoạch kiểm soát tín dụng tăng ở mức 14%. Hơn nữa, hiện tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam theo đánh giá của WB là cao nhất thế giới, 124% (theo GDP mới). Nhiều ngân hàng thương mại đã, sắp hết room tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm. "Trong điều kiện áp lực lạm phát tăng, mức tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay đã là sự cố gắng rất lớn của ngành Ngân hàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
 
Một vấn đề khác, trong khi tín dụng tăng rất nhanh, nhưng nguồn huy động vốn của ngân hàng chỉ tăng 4,21%. Do đó nguy cơ rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng rất lớn, đặc biệt với những ngân hàng thương mại có tỷ lệ tín dụng lĩnh vực bất động sản cao. Đây là lý do vì sao thời gian qua các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất huy động nhằm cân đối lại nguồn vốn; nhất là phải đáp ứng yêu cầu giảm dần tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
 
Ngoài kiểm soát lạm phát, giữ an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước cũng đang rất vất vả trong giữ ổn định giá trị VND khi USD liên tục tăng giá, trong khi cầu ngoại tệ trong nước cũng tăng.
 
Theo tính toán của giới chuyên môn, kết thúc tháng 7/2022, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 2,4% so đầu năm. Để giữ VND mất giá thấp như vậy so USD, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra (hợp đồng kỳ hạn và giao ngay) 11% dự trữ ngoại hối, tức khoảng 12-13 tỷ USD. Quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam tuy đã tăng kỷ lục so những năm trước nhưng không phải quá lớn, và càng không phải vô hạn. Chính vì thế quan điểm điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
 
Cho đến trung tuần tháng 8 này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố nới room tín dụng cho bất kỳ ngân hàng thương mại nào, nhưng một số đã được phê duyệt hạn mức tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Từ nay đến cuối năm, do mức tăng tín dụng không còn nhiều, nên đối tượng khách hàng vay theo gói hỗ trợ lãi suất này (với quy mô hơn 16.000 tỷ đồng trong năm nay và năm 2023 là gần 24.000 tỷ đồng) sẽ được ưu tiên.
 
AN BÌNH     https://nhandan.vn

Xem thêm Tài chính