Chính phủ đề xuất gia hạn thí điểm xử lý nợ xấu

  • www.doanhtri.net
  • 24-05-2022
  • 386 lượt xem
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo của Chính phủ về thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, ngày 24/5. Ảnh: Hoàng Phong
 
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài việc thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đến hết năm 2023.
 
Nghị quyết 42 cho phép các ngân hàng có một số chính sách để đẩy nhanh việc thu hồi nợ xấu hơn. Ví dụ, họ được thu giữ tài sản đảm bảo này trong trường hợp nợ xấu không thể thu hồi, việc mà nếu theo quy định thông thường khó khả thi.
 
Nhưng sau 15/8, Nghị quyết 42 sẽ hết thời gian thí điểm, tức là việc xử lý nợ xấu sẽ theo Luật Các tổ chức tín dụng, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách.
 
Trong bối cảnh Covid-19 đã khiến khả năng trả nợ của người vay giảm, nợ xấu tăng mạnh, hôm nay, thừa uỷ quyền Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã đề xuất Quốc hội gia hạn Nghị quyết này.
 
Theo Thống đốc, việc không gia hạn Nghị quyết 42 sẽ khiến việc xử lý nợ xấu phát sinh các tranh chấp giữa ngân hàng và khách vay. Khi nợ xấu gia tăng mà không được xử lý nhanh chóng sẽ khó huy động được các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia vào xử lý nợ, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
 
Nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 gồm các khoản phát sinh nợ xấu trước ngày 15/8/2017 hoặc vay trước thời điểm này nhưng thành nợ xấu sau đó.
 
Trong gần 5 năm thí điểm, 380.200 tỷ đồng nợ xấu, tức gần 48% được xử lý theo Nghị quyết 42. Gần 40% trong số này là do khách hàng tự trả nợ. Việc bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đạt 77.200 tỷ đồng.
 
Bình quân mỗi tháng xử lý khoảng 5.670 tỷ đồng nợ xấu, gấp đôi thời gian Nghị quyết 42 chưa có hiệu lực.
 
Thẩm tra báo cáo Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến tán thành việc gia hạn áp dụng Nghị quyết 42 đến hết 2023 và đưa nội dung này vào nghị quyết kỳ họp thứ 3.
 
"Các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và bất ổn chính trị trên thế giới có thể khiến nợ xấu tăng trong thời gian tới, nguy cơ làm mất đi những thành quả đã đạt được", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.
 
Một số ý kiến tại Uỷ ban Kinh tế đề nghị bổ sung đối tượng là công ty mua bán nợ được áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu như VAMC; bỏ quy định phải có thoả thuận về bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong hợp đồng bảo đảm...
 
Ngoài ra, Chính phủ cần sớm ban hành đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021- 2025. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh và kiểm soát dòng vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
 
Về phía các ngân hàng, cơ quan thẩm tra lưu ý tăng tính minh bạch, quản trị rủi ro nhằm bảo đảm chuẩn mực quốc tế về an toàn, quản trị vốn.
 
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến ở về đề xuất này của Chính phủ ngày 25/5 và tại nghị trường ngày 1/6.
 

Xem thêm Tài chính