Câu chuyện thương hiệu – Bảo hộ sở hữu trí tuệ với thiết kế logo

  • www.doanhtri.net
  • 21-11-2021
  • 1030 lượt xem
Logo của các thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam (Ảnh: Wiki)
 
(PLBQ). Hội nhập quốc tế ngày càng được thúc đẩy, tạo nên những cơ hội và thách thức mới cho các doanh nghiệp. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường tỉ lệ thuận với mức độ đa dạng của hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp đòi hỏi cần một chỉ dẫn để người tiêu dùng có thể nhận biết và lựa chọn chính xác sản phẩm mà mình mong muốn.
 
“Logo” chính là một công cụ quan trọng, mang đầy đủ những tiêu chí cần thiết của một chỉ dẫn mà người tiêu dùng mong muốn, góp phần tạo lập vị thế của mỗi doanh nghiệp trên thị trường.
 
Khái quát về “logo”
 
Trong tất cả các công ước quốc tế hay những văn kiện quan trọng về sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng đều chưa hề có định nghĩa chung đối với logo. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đã có sự ghi nhận nhất định đối với loại tài sản đặc biệt này thông qua các văn bản pháp lý hiện hành. Cụ thể theo Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng biểu trưng (logo) tỉnh Khánh Hòa và biểu trưng (logo) festival biển Nha Trang - Khánh Hòa ngày 12/10/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa, logo được quy định “Gợi hình liên tưởng tới những cánh tay gắn kết chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Khánh Hòa tạo hình con chim Yến, bên dưới là hình ảnh Đảo yến và làn nước biển trong xanh. Tất cả toát lên nét đặc trưng tiêu biểu về vẻ đẹp và giá trị thiên nhiên của con người, của quê hương Khánh Hòa”.  
 
Ngoài ra, tại Thông tư 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp có đề cập đến “Biểu tượng kinh doanh” cũng mang những đặc tính tương tự của một logo như: Bao gồm ký hiệu, chữ viết, hình vẽ, hình khối được thiết kế một cách độc đáo và được coi là biểu tượng của doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động kinh doanh.
 
Như vậy, “logo” có thể hiểu là một biểu trưng, biểu tượng được thể hiện bởi tập hợp những ký tự, hình ảnh và màu sắc nhằm tạo nên một dấu hiệu với mục đích nhận diện thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp, góp phần tạo dựng vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
 
Các cơ chế bảo hộ quyền SHTT đối với logo của doanh nghiệp
 
Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó là đối tượng bảo hộ quyền SHTT càng được mở rộng và tăng tiến không ngừng. Về bản chất, logo là sự kết hợp của tổng thể những hình khối, bố cục, đường nét và màu sắc tạo thành một dấu hiệu được dùng để nhận biết và phân biệt các đối tượng khác nhau. Bởi mang những đặc trưng như vậy, logo chỉ có thể được bảo hộ theo ba cơ chế: quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
 
Bảo hộ logo theo cơ chế quyền tác giả
 
Hình thức thể hiện của logo là sự kết hợp của những ký tự, đường nét, màu sắc và hình khối. Đặc điểm này khiến nó trở thành một thiết kế mang tính sáng tạo, mà bản chất quyền tác giả lại là bảo hộ cho những tác phẩm có tính sáng tạo nên logo hoàn toàn đủ điều kiện được bảo hộ theo cơ chế quyền tác giả. Mặc dù pháp luật hiện hành quy định cơ chế quyền tác giả bao gồm rất nhiều loại đối tượng bảo hộ nhưng bởi những đặc trưng riêng của nó khiến logo mang trong mình những đặc tính thẩm mĩ, nghệ thuật nên chúng thường được bảo hộ dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Đây cũng là loại đối tượng bảo hộ phù hợp nhất so với logo vì bản thân nó không phải là tác phẩm viết hay tác phẩm âm thanh.
 
Bảo hộ logo theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp
 
Luật SHTT hiện hành của Việt Nam quy định: Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”. Với đặc tính thương mại rõ rệt cùng với khả năng áp dụng công nghiệp khi được gắn liền với mỗi hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp, logo có thể được bảo hộ theo cơ chế quyền Sở hữu công nghiệp. Mặc dù pháp luật hiện hành quy định quyền sở hữu công nghiệp bao gồm rất nhiều đối tượng bảo hộ, tuy nhiên đối tượng phù hợp nhất đối với logo chỉ bao gồm: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý.
 
Đối với hầu hết các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, thủ tục đăng ký xác lập quyền là điều kiện bắt buộc (trừ nhãn hiệu nổi tiếng, bí mật kinh doanh). Quyền sở hữu công nghiệp chỉ được phát sinh khi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, không phải tất cả logo chỉ cần đăng ký là sẽ được bảo hộ. Tùy từng loại đối tượng nhất định, pháp luật quy định những điều kiện bảo hộ khác nhau và tương ứng với mỗi trường hợp, logo phải thỏa mãn những điều kiện cụ thể để được bảo hộ theo cơ chế này.
 
Bảo hộ logo theo cơ chế pháp luật cạnh tranh
 
Theo quy định của pháp luật, cụ thể ở khoản 6 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2018, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
 
Trong lĩnh vực SHTT, cạnh tranh không lành mạnh được thể hiện thông qua những hành vi xâm phạm các chỉ dẫn thương mại của các chủ thể quyền. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền SHTT thông thường chứa đựng ba yếu tố:
 
(1) Chủ thể thực hiện hành vi với mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của các tổ chức, cá nhân khác;
 
(2) Chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh cố ý tạo ra các chỉ dẫn thương mại, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa dịch vụ, hoặc gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ, về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
 
(3) Hành vi cạnh tranh không lành mạnh của chủ thể gây ra thiệt hại một cách trực tiếp hay gián tiếp cho cá nhân, tổ chức bị xâm phạm.
 
Bảo hộ quyền SHTT với thiết kế logo thông qua câu chuyện tranh chấp logo Mixi Food
 
Hiện nay, trong lĩnh vực quyền tác giả, hành vi xâm phạm đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng diễn ra không nhiều mà chủ yếu tồn tại những tranh chấp nhất định do hậu quả đến từ sự chồng lấn giữa các cơ chế bảo hộ với nhau. Những tranh chấp này chủ yếu xảy ra do sự chồng lẫn giữa cơ chế bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp, gây khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, điển hình là tranh chấp logo Mixi Food.
 
Logo “Mixi Food” được anh Phùng Thanh Độ (Sau đây gọi tắt là “anh Độ” hoặc “Độ Mixi”) - chủ kênh channel Mixi Gaming sáng tạo và sử dụng để kinh doanh đồ ăn từ lâu, những chưa đăng ký bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu. Ngày 12/12/2018, Công ty cổ phần Lawyer of Business (LOB) đã đăng ký logo “Mixi Food” dưới danh nghĩa nhãn hiệu, số đơn 4-2018-43852, đăng ký cho nhóm 29 đối với các sản phẩm: Thịt đông khô, thịt, thịt muối, chiết suất của thịt, thịt đã được bảo quản, thịt đóng hộp. Ngày 11/01/2019, đơn này đã được cục SHTT chấp thuận về mặt hình thức.
 
Logo của thương hiệu Mixi Food (Ảnh: Facebook MixiFood)
 
Ngày 10/5/2019, phía anh Độ đã liên lạc với LOB để yêu cầu giải quyết vấn đề. Anh Độ cho rằng LOB đã “cướp” logo của anh để đăng ký trước rồi đợi đến thời điểm thích hợp khi chủ sở hữu liên hệ thì bắt đầu ngã giá, yêu cầu mua lại nhằm thu lợi. Hoặc nếu không mua lại thì sẽ gây khó khăn như yêu cầu gỡ bỏ hoặc chấm dứt sử dụng.
 
Quan điểm phía bên LOB cho rằng, họ hoàn toàn không có ý định như trên. Đại diện LOB cho biết, anh là một người hâm mộ của Độ Mixi và mục đích của việc đăng ký này là:
 
(1) Tránh việc logo đó bị đơn vị khác đăng ký trước;
 
(2) Giúp giảm thiểu thời gian đăng ký bởi thời gian thẩm định đơn hiện giờ là rất lâu. Ngoài ra, LOB khẳng định khi nhận được văn bằng bảo hộ, bên LOB sẽ bàn giao lại cho anh Độ. Phía LOB chứng minh bằng việc họ đã gửi tin nhắn cho anh Độ về việc đăng ký logo này. Thêm vào đó, nếu LOB có ý định “cướp” logo, LOB hoàn toàn có thể đăng ký theo tên và địa chỉ của một công ty “ma”, khiến không thể tra cứu được người đăng ký; những giao dịch chuyển nhượng, LOB chỉ cần tham gia với tư cách là bên thứ ba, chứ không nhất thiết phải dùng tên công ty chính để đăng ký logo.
 
Đây chính là vụ việc điển hình liên quan đến tranh chấp quyền SHTT, mà nguyên nhân chính là do tồn tại sự chồng lấn giữa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Anh Độ sáng tạo ra logo “Mixi Food”, có các quyền nhân thân và tài sản gắn liền với logo; tuy nhiên, pháp luật sở hữu công nghiệp lại không có những hạn chế nhất định đối với quyền đăng ký trong trường hợp này. Tuy vậy, hành vi của LOB vẫn có thể bị coi là hành vi xâm phạm các quyền SHTT của Độ Mixi, nếu:
 
Về quyền tác giả: Anh Độ được công nhận là tác giả của logo “Mixi Food” và được bảo hộ theo cơ chế này. Ở đây, cần chứng minh (1) Bản thân anh Độ là người sáng tạo ra logo “Mixi Food”; (2) Logo “Mixi Food” mà bên LOB đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ra đời sau nhưng giống hệt logo “Mixi Food” của anh Độ; (3) LOB có sao chép logo của anh Độ.
 
Về quyền sở hữu công nghiệp, logo “Mixi Food” được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của bên LOB. Thuật ngữ “được sử dụng” trong trường hợp này được hiểu là việc sử dụng đó được tiến hành trong các hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại, quảng cáo, tiếp thị hợp pháp. Để chứng minh vấn đề trên, anh Độ cần cung cấp các thông tin về thời gian sử dụng phạm vi, mức độ sử dụng hiện nay đối với logo “Mixi Food”. Tuy nhiên, việc chứng minh này trên thực tế khá khó khăn.
 
Thay cho lời kết
 
Bối cảnh phát triển kinh tế xã hội trong thời đại hiện nay đặt Việt Nam vào những cơ hội, thách thức nhất định. Song song với đó, nhu cầu của doanh nghiệp trong việc mở rộng sản xuất ngày càng tăng, đòi hỏi cần có hành lang pháp lý hoàn thiện hơn và đủ mạnh để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp đối với các tài sản nói chung và logo của doanh nghiệp nói riêng.
 
Tuy nhiên, pháp luật về SHTT hiện nay còn tồn tại một số những bất cập, ảnh hưởng đến việc bảo hộ quyền SHTT đối với tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp. Do đó, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật cùng việc nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền SHTT đối với logo của doanh nghiệp là một yêu cầu rất cấp bách cần được giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền SHTT trong thời đại hiện nay, giúp các doanh nghiệp tự tin cạnh tranh, tạo nên bước tiến vững chắc trong quá trình hội nhập của Việt Nam trên trường quốc tế./.
 
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quy chụp hay quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
 
Hà Trung

Xem thêm Doanh nghiệp