Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

  • www.doanhtri.net
  • 12-04-2024
  • 290 lượt xem
 Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với VEPR tổ chức Diễn đàn "Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp".
(ĐCSVN) - Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, việc cung ứng điện cho doanh nghiệp sẽ luôn gặp khó khăn nếu Việt Nam không tận dụng các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Trong đó, sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với doanh nghiệp.
 
Chiều 11/4, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với VEPR tổ chức Diễn đàn "Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp".
 
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII). Tại Quy hoạch điện VIII, Chính phủ khuyến khích phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ hóa thạch. Đối với điện mặt trời mái nhà, Quy hoạch điện VIII cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
 
Theo đại diện VCCI, hiện Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, đây cũng chính là cơ sở đưa Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Tại EU và một số quốc gia khác, sản phẩm, hàng hóa khi nhập khẩu vào các thị trường này nếu muốn được hưởng cơ chế ưu đãi buộc phải có chứng chỉ xanh.
 
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.
 
Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu để được hưởng ưu đãi ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì tiêu chuẩn về xanh hóa cũng buộc doanh nghiệp phải đáp ứng.Theo ông Hoàng Quang Phòng, mặc dù năng lượng tái tạo, năng lượng xanh hay cụ thể là điện mặt trời mái nhà là quan trọng và cần thiết như vậy, nhưng trong nhiều năm qua, việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp vẫn chưa được triển khai, thúc đẩy do chưa có quy định, tiêu chí cụ thể. Các thủ tục, văn bản hướng dẫn từ các Bộ, ngành chưa được rõ ràng, nhất quán.
 
Bà Nguyễn Như Thanh Thư – Trưởng bộ phận Năng lượng tái tạo Khu công nghiệp Deep C  
 
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Như Thanh Thư – Trưởng bộ phận Năng lượng tái tạo Khu công nghiệp Deep C cũng thông tin, tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và Thông tư 18/2020/TT-BCT đều cho phép các đơn vị đầu tư Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đầu tư lắp đặt trên mái nhà công trình xây dựng và giá mua bán cũng như hợp đồng mua bán điện được phép do bên mua và bên bán tự thỏa thuận. Tuy nhiên, quy mô ĐMTMN bị giới hạn trong phạm vi 1MW hoặc 1.25 MWp, vì vậy không phát huy được hết tiềm năng mái, hoặc phải phân tách quy mô đầu tư, dẫn đến phát sinh thủ tục hành chính và chi phí đầu tư.
 
Đặc biệt, theo Điều 5 Dự thảo Nghị định Phát triển về phát triển điện mặt trời áp mái có nêu: “1. Điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia: Tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả việc không bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (nghĩa là không có đầu tư kinh doanh điện, không cho phép hoạt động kinh doanh mua bán điện); ĐMTMN trong phạm vi Khu công nghiệp (KCN), liên kết với lưới điện phân phối cấp trung áp do KCN tự đầu tư vận hành, và đảm bảo không phát điện dư lên lưới điện quốc gia (ĐMTMN đầu tư theo mô hình sau công-tơ trên phạm vi KCN)”.
 
Nếu quy định đã nêu được áp dụng cho mô hình ĐMTMN trong KCN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động phát triển Năng lượng tái tạo tại DEEP C.
 
“Mô hình ĐMTMN do DEEP C đầu tư lắp đặt với ưu điểm dung hòa được phụ tải giữa các khách hàng sẽ không thể được áp dụng. Hơn nữa, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực về kinh phí, kinh nghiệm chuyên môn để tự đầu tư lắp đặt ĐMTMN. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Dự thảo Nghị định đã nêu cần làm rõ đối tượng áp dụng của quy định này” – bà Nguyễn Như Thanh Thư nói.
 
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết thêm, ngành dệt may có rất nhiều doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp (KCN), khoảng trên 1.200 doanh nghiệp với 610.000 lao động nằm trong KCN. Hiện tại, khoảng 30 - 50% doanh nghiệp tùy theo vùng, miền đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, còn một số khó khăn như điều kiện thời tiết, cơ chế về điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp, KCN chưa rõ ràng, doanh nghiệp lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh...
 
Đồng thời, ông Cẩm nhấn mạnh, hiện nay chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà. Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới. Điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản tự tiêu. Do đó, cần các cơ quan đưa ra những quy định dưới Luật để giải thích rõ thì doanh nghiệp mới triển khai được.
 
Bên cạnh đó là vấn đề xử lý các tấm pin, đây là cũng vấn đề xử lý rác thải, làm sao tái chế được để không là gánh nặng cho môi trường. Phó Chủ tịch VITAS kiến nghị Nhà nước sớm ban hành chính sách tổng thể và hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư, lắp đặt, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy cho DN, KCN thống nhất trong cả nước. Đồng thời, sớm có quy định cụ thể cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng điện mái nhà trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
 
Về cơ chế hỗ trợ vốn, ông Trương Văn Cẩm cho biết, doanh nghiệp trong ngành Dệt may chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa - là đối tượng cần hỗ trợ vốn cho điện mái nhà, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn. Các doanh nghiệp ngành Dệt may cùng cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng nghề cho nhân lực vận hành, và hợp tác, tạo điều kiện hợp tác giữa đối tác 3 bên gồm doanh nghiệp, nhãn hàng, tổ chức Quốc tế…
 
Ngoài ra, tại Diễn đàn nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công thương có các hướng dẫn cụ thể hơn về các tiêu chuẩn và phương pháp thực hiện việc xây dựng và lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
 
Tin, ảnh: Kim Dung   (dangcongsan.vn)

Xem thêm Doanh nghiệp