CẢM XÚC ĐẶC BIỆT
TS Nguyễn Thị Sơn

  • www.doanhtri.net
  • 26-09-2020
  • 745 lượt xem
Điện thoại reo, đồng chí Trần Đức Long, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam hỏi thăm sức khỏe cô Sơn và mời cô ra dự Hội nghị Thi đua yêu nước do Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức vào ngày 2.10.2020. Lời mời chân thành và cách xưng hô trân quý như nhiều năm nay của anh Long đối với cô Sơn làm mình không thể từ chối. 
 
Vậy là hơn một năm sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, mình lại có dịp ra thăm Hà Nội, có dịp gặp gỡ các anh chị luật gia trên toàn quốc.
 
* Từ một doanh nhân trở thành cán bộ quản lý kinh tế nhà nước từ năm 1984, rồi trở thành nhà giáo, luật gia từ năm 1997. Về hưu theo chế độ công chức nhà nước năm 2010 (Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp), về hưu lần 2 năm 2020 (Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam). Như thế là 36 năm công tác với nhiều trọng trách, cương vị xã hội. Với sự giúp đỡ của các lãnh đạo, với sự hợp tác của các đồng nghiệp, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và luôn tự hào về những công việc đóng góp cho xã hội. Thật sự trong tôi có nhiều cảm xúc, nhất là khoảng thời gian công tác tại Hội Luật gia Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2020.
 
* Tôi nhớ năm 2000 khi tôi tham gia Đoàn Luật gia Việt Nam dự Đại hội Luật gia dân chủ quốc tế tại Havana, Cuba. Tôi đã gặp Bác Phạm Hưng - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Bác Lưu Văn Đạt - Phó Chủ tịch, TS Chu Hồng Thanh - Phó Tổng thư ký. Tôi có cảm giác rất kính trọng bác Hưng, bác Đạt, anh Thanh. Các bác rất phúc hậu, rất uyên bác trong ngành luật. Khi dự Đại hội Hội luật gia dân chủ quốc tế ở Havana, được nghe diễn thuyết các chủ đề lớn của thế giới về (1) kinh tế, vai trò của nhà nước và hệ thống luật pháp để kiểm soát nền kinh tế toàn cầu, (2) Chính trị, an ninh và hòa bình quốc tế, vai trò và sự giới hạn của Hội đồng bảo an LHQ, (3) Vấn đề dân chủ và nhân quyền, (4) Sự độc lập của hệ thống tư pháp và luật sư. Hội nghị quốc tế thật ấn tượng đã làm cho suy nghĩ và kiến thức của tôi rộng mở rất nhiều.
 
* Năm 2004, Chi hội Luật gia Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp hợp tác với Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng về kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Các khóa học đã nhanh chóng lan tỏa sang các tỉnh thành, các hiệp hội kinh doanh. Đấy cũng là những ấn tượng, cảm xúc khó quên của tôi.
 
* Năm 2006, do nhu cầu thực tế về nâng cao kiến thức hội nhập, kiến thức luật pháp quốc tế cho doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn làm ăn kinh doanh ở Việt Nam, cho người lao động làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế IBLA đã được thành lập bởi Hội Luật gia Việt Nam và được đăng ký hoạt động khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép. Tôi rất xúc động khi Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Trung ương Hội luật gia Việt Nam phát biểu tại buổi lễ ra mắt Viện IBLA: “Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang ngày càng trở nên một yêu cầu tất yếu, cấp bách đối với Việt Nam chúng ta. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, pháp luật Việt Nam từ chỗ chủ yếu điều chỉnh quan hệ quốc nội giờ đây phát triển nhanh cả việc điều chỉnh các quan hệ có tính quốc tế. Các công ước quốc tế, hiệp định quốc tế, tập quán quốc tế ngày càng gia tăng ảnh hưởng và tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Quá trình đó, các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cơ hội phát triển song cũng gặp không ít khó khăn, khá nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với vô số những yếu tố nan giải về pháp luật, nhiều doanh nghiệp không am hiểu, thiếu cơ sở nghiên cứu môi trường pháp luật và ảnh hưởng của nó đến hoạt động kinh doanh của mình, đã có những hậu quả không lường trước được khi kinh doanh trên thị trường quốc tế....”
 
Sau 14 năm hoạt động, Viện Khoa học pháp lý IBLA đã có những đóng góp thiết thực trong hoạt động chung của Hội Luật gia Việt Nam từ công tác tư vấn, đào tạo luật quốc tế cho người dân, công tác phản biện xã hội trong quá trình dự thảo các văn bản luật của nhà nước cũng như phổ biến pháp luật được thực thi minh bạch đến người dân. 
 
* Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho công tác thông tin pháp luật, Tạp chí Pháp lý www.phaply.net.vn và Trang Thông tin điện tử doanhtri.net cũng tham gia tích cực cùng với Viện Khoa học pháp lý IBLA đóng góp các bài viết khoa học, các tham luận trong quá trình xây dựng pháp luật của Việt Nam và của Hội Luật gia ASEAN (ALA).
 
Thay mặt cho các luật gia tham gia Hội nghị Thi đua yêu nước, tôi thẳng thắn bày tỏ cảm xúc đặc biệt của mình:
LUẬT GIA CHÚNG TÔI TỰ HÀO ĐỨNG TRONG HÀNG NGŨ HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM, PHẢN BIỆN TRUNG THỰC NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT PHÁP QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ
 
 
TS Nguyễn Thị Sơn

Xem thêm Thời sự