CÁC KHÁI NIỆM VỀ TÍNH PHÁP LÝ – THƯƠNG HIỆU – DANH HIỆU CỦA DOANH NGHIỆP & TỔ CHỨC GIÁO DỤC.

  • www.doanhtri.net
  • 20-09-2017
  • 2945 lượt xem

 

1. Pháp lý của doanh nghiệp: việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế,.. căn cứ luật doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
 

2. Pháp lý của các trường thuộc hệ thống giáo dục Việt Nam: việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông, Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục đại học và sau đại học,.. căn cứ Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thương hiệu của doanh nghiệp: là những từ ngữ, dấu hiệu, biểu trưng... dùng để xác định, phân biệt các sản phẩm, dịch vụ cùng loại của các nhà sản xuất khác nhau. Khái niệm thương hiệu ngoài yếu tố thương mại được nhấn mạnh còn nhắc đến sự xác định rõ ràng về nguồn gốc của hàng hoá. Chính vì vậy người ta thường gắn việc đăng kí nhãn hiệu hàng hóa với việc ra đời một thương hiệu thành công.

4. Thương hiệu của các trường thuộc hệ thống giáo dục Việt Nam: Trong Luật giáo dục (2005) không đề cập về thương hiệu của các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Tuy nhiên tại Điều 17 có quy định về Kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường. Việc kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát.
Tại Điều 48 có quy định: (1) Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình: a) Trường công lập do Nhà nước thành lập, b) Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, c) Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập. (2) Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc mọi loại hình đều được thành lập theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục. Nhà nước tạo điều kiện để trường công lập giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục quốc dân.

5. Danh hiệu: Danh hiệu là tên gọi nêu lên phẩm chất cao quý, dành riêng cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, ví dụ: danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân; danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân… Nhưng cũng có danh hiệu không phải do nhà nước vinh danh mà do xã hội bình chọn như Hoa hậu Việt Nam, Quán quân bước nhảy, Quán quân quần vợt, Quán quân The voice Giọng hát Việt…

 

CÁC VẤN ĐỀ THỰC TẾ
VỀ TÍNH PHÁP LÝ – THƯƠNG HIỆU
CỦA CÁC TỔ CHỨC GIÁO DỤC VIỆT NAM


1. Tiến tới kiểm định chất lượng giáo dục ở tất cả các trường: 

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đến hết năm 2015 sẽ thành lập 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, đến năm 2020 có 95% số cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp và các chương trình đào tạo được kiểm định ít nhất một lần(đăng trên website của Trung Tâm Kiểm định chất lượng VNU-CNA).

2. Chất lượng giáo dục được kiểm định của các trường Đại học Việt Nam: Kiểm định chất lượng giáo dục đã được đưa vào Luật Giáo dục và cụ thể hóa tại một số điều trong Luật Giáo dục sửa đổi (2005) và Luật Giáo dục ĐH (2012). Từ năm 2005, Bộ GD-ĐT tập trung triển khai công tác này và trong giai đoạn từ 2005-2009, 40 trường ĐH đầu tiên được thực hiện đánh giá ngoài theo bộ tiêu chí do Bộ GD-ĐT xây dựng. Sau đó, chỉ có 20 trường được Hội đồng Kiểm định Quốc gia công bố đạt chất lượng vào năm 2009.

3. Câu hỏi được mọi người quan tâm: Căn cứ các quy định trong các điều khoản của Luật giáo dục và các luật liên quan thì các trường đại học Việt Nam đã được thành lập và tổ chức hoạt động hợp pháp (có nhiều trường được thành lập từ đầu thế kỷ 20). Các văn bằng của các trường đại học đều được đảm bảo bởi luật pháp và được xã hội thừa nhận (không phân biệt trường công lập hay tư thục). Việc Kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường. Nhưng từ năm 2005 đến năm 2009, 40 trường ĐH đầu tiên được thực hiện đánh giá. Sau đó, chỉ có 20 trường được Hội đồng Kiểm định Quốc gia công bố đạt chất lượng vào năm 2009. Như vậy cáctrường ĐH, CĐ còn lại chưa được kiểm định có được bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận là hợp pháp hay không?Văn bằng của họ từ trước năm 2009 tức là trước khi có Chứng chỉ kiểm định, có còn giá trị hay không?

4. Về pháp lý: Quyết định thành lập trường là của Thủ tướng. Chứng chỉ Kiểm định là của Trung tâm Kiểm định chất lượng thuộc Đại học quốc gia. Vậy cái nào to hơn cái nào? Cái nào đảm bảo Trường Đại học hoạt động hợp pháp?

 

Hoàng Khánh Linh     doanhtri.net

 

Xem thêm Tin Pháp luật