Bộ Giáo dục: Nhiều năm sau tiếp tục thi trắc nghiệm

  • www.doanhtri.net
  • 25-06-2017
  • 833 lượt xem

 

Khẳng định kỳ thi THPT quốc gia diễn thành công, Bộ Giáo dục cho rằng đây là nền tảng để nhiều năm sau tiếp tục áp dụng.

Chiều 24/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá: "Kỳ thi đã diễn ra rất thành công. Điều này khẳng định việc đổi mới phương án, cách thi của Bộ là đúng đắn. Phương thức tổ chức này sẽ áp dụng cho nhiều năm tới", ông Ga nói.

So sánh mức độ khó dễ phải trên toàn bộ câu hỏi các đề

Trước câu hỏi về việc các mã đề có sự chênh lệch độ khó dễ, Bộ Giáo dục khẳng định "24 mã đề có mức độ đồng đều". 

"24 mã đề xuất phát từ 4 đề gốc. Các câu hỏi trong mỗi đề gốc này được phân làm 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Khi đảo, các câu hỏi được đảo theo khu vực có cùng cấp độ", Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sái Công Hồng - thành viên tổ ra đề giải thích.

Trong đề thi, có những câu cùng về một nội dung nhưng cấp độ hỏi khác nhau. Ví dụ cùng vấn đề A nhưng ở đề B là câu hỏi được ra ở mức độ thông hiểu, ở câu C là vận dụng cao.

bo-giao-duc-nhieu-nam-sau-tiep-tuc-thi-trac-nghiem

TS Sái Công Hồng: "24 mã đề có mức độ đồng đều".

Theo ông Hồng, nếu không tinh, hiểu sâu, nắm chắc vấn đề, có thể nhầm lẫn trong đánh giá. Việc so sánh mức độ đồng đều của các đề cũng phải so trên toàn bộ câu hỏi chứ không thể dùng 1-2 câu để đối chiếu. Chỉ khi phân tích điểm trung bình của các mã đề mới biết chính xác độ khó dễ của các đề vênh nhau thế nào.

Đề thi THPT quốc gia được lấy từ ngân hàng đề thi chuẩn hoá quốc tế, qua 2 lần thử nghiệm. Lần đầu là thử nghiệm chuẩn hóa đề thi trên chính học sinh lớp 12, để biết độ khó dễ thực tiễn, không dựa vào sự cảm nhận của người làm. Bước hai là thử nghiệm độ đồng đều của các đề. "Ban làm đề chúng tôi luôn cố gắng đưa ra các mã đề tương đương với nhau nhất, để đảm bảo sự công bằng, khách quan cho các thí sinh”, ông Hồng chia sẻ.

Việc có 7 mã đề môn Vật lý phải đính chính, ông Hồng cho biết, sau khi chuyển đề chính thức để các địa phương in sao, Ban đề thi đã phát hiện mã đề bị thiếu ký tự. Thời điểm đó, một số địa phương đã in sao đề. Việc dừng và in lại đề là khả thi nhưng ban ra đề chọn cách in thêm đính chính đi kèm, vừa không làm ảnh hưởng đến quá trình in sao của địa phương, vừa cho thấy sự nghiêm túc, làm việc đúng quy trình của ban đề. 

“Chúng tôi đã lưu ý đính chính là một phần trong đề thi. Đính chính được đính kèm trong đề, phát cùng lúc cho học sinh nên không ảnh hưởng đến việc làm bài của các em”, ông Hồng nói.

Thí sinh bị đình chỉ bằng 1/4 so với năm ngoái

Theo báo cáo, cả kỳ thi THPT quốc gia năm nay có 72 thí sinh bị đình chỉ, chưa bằng 1/4 của năm ngoái (328 trường hợp). "Điều này chứng tỏ sự nghiêm túc của kỳ thi và tính ưu việt của phương thức thi", Thứ trưởng Ga nói.

Theo lãnh đạo Bộ, hình thức thi trắc nghiệm mỗi học sinh có một mã đề khiến các em khó trao đổi bài. Đề thi bao quát kiến thức của toàn bộ kiến thức chương trình học lớp 12, đặc biệt thời gian thi mỗi môn 50 phút với lượng câu hỏi lớn, là “thách thức” với những ai muốn dùng tài liệu để gian lận trong phòng thi. 

Cách bố trí một phòng thi có 24 thí sinh với 2 cán bộ coi thi khiến mọi biểu hiện lạ dễ dàng bị phát hiện. Kỳ thi được các Sở Giáo dục chủ trì, các đại học tham gia coi thi và giám sát. Điều này, theo Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, giúp kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Việc giao các Sở chủ trì cụm thi THPT quốc gia, ông Trinh cho rằng “đúng vai”.

bo-giao-duc-nhieu-nam-sau-tiep-tuc-thi-trac-nghiem-1

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: "Kỳ thi diễn ra thành công".

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay số lượng thí sinh dự thi môn Lịch sử tăng đột với hơn 510.000, chiếm trên 59% tổng số thí sinh cả nước dự thi. Những năm trước, chưa đến 15% thí sinh chọn thi môn này. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đây là điều rất đáng mừng, chứng tỏ tính ưu việt của hình thức thi trắc nghiệm.

“Bộ Giáo dục đã nhiều năm trăn trở tìm cách tăng lượng thí sinh đăng ký thi Lịch sử nhưng chưa được. Việc đổi mới phương pháp thi trắc nghiệm đã lần đầu tiên giúp giải quyết mục tiêu này. Dù nhiều học sinh thi môn này chỉ để xét tốt nghiệp nhưng rõ ràng cách thí mới đã giúp các em hứng thú hơn với Lịch sử và mong muốn học toàn diện hơn”, Thứ trưởng nhận xét.

Ông khẳng định 2017 là năm đã chốt được toàn bộ kế hoạch thi và là nền tảng để nhiều năm sau tiếp tục áp dụng.

2007 là năm thứ ba liên tiếp Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi về số môn thi, hình thức thi và đơn vị tổ chức thi. Để xét tốt nghiệp, học sinh sẽ phải thi 3 bài Toán, Văn, Ngoại ngữ và lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Trừ Văn, các môn lại còn lại đều thi tốt nghiệp.

Là một trong những trường sẽ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn cho biết, rất tin tưởng vào chất lượng kỳ thi năm nay. “Cá nhân tôi và đoàn của Bộ đi kiểm tra đều thấy kỳ thi diễn ra an toàn, trật tự. Các cán bộ của trường tôi đi coi thi, giám sát ở các địa phương cũng phản ánh, rất ít thí sinh mang tài liệu và phòng thi. Tôi đánh giá đề thi đảm bảo được mục tiêu xét tuyển vào đại học”, ông Sơn nói.

Quỳnh Trang   vnexpress.net

 

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe