Blockchain và sở hữu trí tuệ: sự kết hợp hoàn hảo

  • www.doanhtri.net
  • 31-07-2021
  • 551 lượt xem
(PLBQ). Blockchain và các công nghệ sổ cái phân tán đã trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm trong thời đại hiện nay, nhiều ngành công nghiệp đã tiến hành khai thác khả năng của chúng và sử dụng blockchain trong rất nhiều lĩnh vực.
 
Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ này trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và thực tiễn áp dụng vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
 
Blockchain và công nghệ sổ cái phân tán đang trở thành một chủ đề được quan tâm (Ảnh: Rick_Jo /iStock/Getty Images Plus).
 
BLOCKCHAIN là gì ?
 
Công nghệ blockchain được biết tới như nền tảng công nghệ đằng sau đồng tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum. Về cơ bản, blockchain là một sổ cái thông tin mở, được sử dụng để ghi lại và theo dõi giao dịch, trao đổi, xác minh trên một nền tảng mạng ngang hàng. Blockchain và các công nghệ sổ cái phân tán khác tạo ra một bản ghi đáng tin cậy và minh bạch, thông qua việc cho phép các bên tham gia giao dịch xác minh trước những gì sẽ được nhập vào sổ cái mà không có bất kỳ bên nào có khả năng thay đổi sổ cái sau này. Mỗi giao dịch hoặc "khối" được truyền tới tất cả những người tham gia trên nền tảng mạng ngang hàng và phải được xác minh bởi mỗi người tham gia. “Khối” sau khi được xác minh sẽ được thêm vào sổ cái hoặc chuỗi.
 
Từ góc độ thông tin, sự đổi mới của công nghệ sổ cái phân tán đến từ khả năng đảm bảo tính toàn vẹn của sổ cái thông qua giám sát bởi người dùng tham gia hệ thống và loại bỏ sự cần thiết của cơ quan trung ương giám sát toàn bộ hệ thống. Nói cách khác, các giao dịch được xác minh và chứng thực bởi nhiều máy tính độc lập lưu trữ các chuỗi khối. Vì lý do này, blockchain được coi là "gần như không thể bị thay đổi", bởi vì để thay đổi bất kỳ thông tin nào trên đó, một cuộc tấn công mạng sẽ phải tấn công gần như tất cả các bản sao của sổ cái cùng một lúc, trong khi khái niệm truyền thống về blockchain là một công cụ mở và mạng ẩn danh.
 
Blokchain - sự hấp dẫn vượt ra khỏi thế giới Fintech
 
Blockchain như một cuốn sổ cái kế toán công cộng. Trong đó, mọi thông tin được lưu trữ và truyền tải một cách minh bạch, toàn vẹn, không thể nào thay đổi hay gian lận được. Đây là một công nghệ mới, giúp cải thiện được rất nhiều những mặt hạn chế của cách lưu trữ và trao đổi thông tin truyền thống. Đây cũng là lý do khiến blockchain ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: kinh tế tài chính, giáo dục, nông nghiệp, công nghiệp, lĩnh vực giải trí, y tế hay giáo dục… Công nghệ blockchain đã nhanh chóng trở nên hấp dẫn vượt ra ngoài thế giới của fintech. Nó đã được sử dụng để theo dõi quá trình của hàng hóa trong chuỗi cung ứng, được nhiều người quan tâm trong các lĩnh vực liên quan tới sở hữu trí tuệ, bao gồm dược phẩm, ô tô, các ngành công nghiệp hàng tiêu dùng xa xỉ…, những lĩnh vực mà vấn nạn hàng giả và hàng nhái luôn là mối bận tâm lớn, dẫn tới việc truy xuất nguồn gốc của hàng hóa là vô cùng quan trọng.
 
Tiền điện tử Bitcoin áp dụng công nghệ Blockchain (ảnh:Wikipedia)
 
Blockchain trở nên hấp dẫn đối với nhiều ngành công nghiệp khác nhau bởi chính tiềm năng trong việc ứng dụng. Các loại dữ liệu khác nhau có thể được thêm vào blockchain, từ tiền điện tử, giao dịch, thông tin trong hợp đồng đến các tệp dữ liệu, ảnh, video và tài liệu thiết kế. Công nghệ blockchain đang tiếp tục phát triển với các loại sổ cái phân tán, chẳng hạn như phần mềm hashgraph (công nghệ sổ cái phân tán sử dụng đồ thị xoay chiều có hướng để tạo ra thuật toán đồng thuận), qua đó tìm cách giải quyết các vấn đề về khả năng mở rộng thông qua việc thêm tài nguyên vào hệ thống.
 
Khả năng ứng dụng blockchain trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
 
Có nhiều rào cản tiềm ẩn đối với việc áp dụng blockchain với quy mô lớn vào sở hữu trí tuệ (bao gồm các vấn đề về luật điều chỉnh, các lo ngại về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư). Mặc dù vậy, blockchain và công nghệ sổ cái phân tán cung cấp khả năng thuận lợi để bảo vệ và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, cũng như cung cấp bằng chứng ở những giai đoạn thực hiện đăng ký hoặc khi xảy ra tranh chấp tại tòa án. Blockchain cũng hứa hẹn một phương pháp hiệu quả trong việc tăng tốc độ trong quy trình xử lý. Các tiềm năng của việc sử dụng blockchain bao gồm: bằng chứng về sự sáng tạo và xác thực xuất xứ, đăng ký và xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát và theo dõi phân phối của việc đã đăng ký hoặc chưa đăng ký; cung cấp bằng chứng xác thực về việc sử dụng lần đầu trong thương mại; quản lý bản quyền kỹ thuật số (ví dụ như các trang web âm nhạc trực tuyến…); thiết lập và thực thi các thỏa thuận sở hữu trí tuệ, giấy phép hoặc mạng phân phối độc quyền thông qua hợp đồng thông minh và thanh toán trong thời gian thực cho chủ thể sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Blockchain cũng có thể được sử dụng để xác thực xuất xứ trong việc phát hiện hoặc truy xuất hàng giả, hàng nhái và hàng nhập khẩu song song.
 
Quyền sở hữu trí tuệ “thông minh”
 
Tiềm năng của việc sử dụng công nghệ blockchain để quản lý quyền sở hữu trí tuệ là vô cùng lớn. Việc ghi lại quyền sở hữu trí tuệ trong một sổ cái phân tán thay vì một cơ sở dữ liệu truyền thống có thể biến chúng thành quyền sở hữu trí tuệ “thông minh”.
 
Ý tưởng này được thực thi bằng cách các văn phòng sở hữu trí tuệ sử dụng sổ cái phân tán - một công nghệ của Blockchain để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ “thông minh" dưới dạng một giải pháp tập trung do văn phòng sở hữu trí tuệ quản lý, điều hành. Một bản ghi bất biến về các sự kiện trong vòng đời của quyền sở hữu trí tuệ đã đăng ký sẽ được tạo ra, bao gồm: nhãn hiệu lần đầu tiên được đăng ký, việc sử dụng đầu tiên trong thương mại; khi một thiết kế, nhãn hiệu hoặc bằng sáng chế được cấp phép, được chỉ định, v..v. từ đó giải quyết các vấn đề thực tiễn trong việc đối chiếu, lưu trữ và cung cấp các chứng cứ sở hữu trí tuệ khi cần thiết.
 
Khả năng theo dõi toàn bộ vòng đời của quyền sở hữu trí tuệ giúp việc kiểm tra quyền sở hữu trí tuệ dễ dàng hơn, đơn giản hóa các thẩm định cần thiết cho các giao dịch về sở hữu trí tuệ, ví dụ như trong các thương vụ M&A (sáp nhập và mua bán doanh nghiệp).
 
Bằng chứng của việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ
 
Một sổ cái có thể cho ta biết ai là chủ sở hữu thương hiệu như một sự tham chiếu cho quyền của họ và việc sử dụng mở rộng thương hiệu đó trên thị trường. Công nghệ này có thể đặc biệt hữu ích trong các vấn đề pháp lý mà bằng chứng của việc sử dụng đầu tiên hoặc sử dụng thực tế được yêu cầu hoặc khi mức độ của việc sử dụng là rất quan trọng, chẳng hạn như trong các tranh chấp hoặc các thủ tục tố tụng khác liên quan đến việc công nhận các nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc dùng để bảo vệ một hành động thu hồi nhãn hiệu do không sử dụng.
 
Ví dụ: thu thập thông tin về việc sử dụng nhãn hiệu trong giao dịch hoặc thương mại dựa trên nền tảng sổ đăng ký nhãn hiệu chính thức sẽ cho phép văn phòng sở hữu trí tuệ được thông báo gần như ngay lập tức. Điều này sẽ dẫn đến một bằng chứng được đóng dấu thời gian đáng tin cậy về việc sử dụng thực tế và tần suất sử dụng nhãn hiệu trong thương mại - hai vấn đề có liên quan trong việc chứng minh việc sử dụng lần đầu tiên hoặc sử dụng thực tế. Tương tự, công nghệ sổ cái phân tán có thể được sử dụng như là một công cụ để ngăn chặn người khác nhận được bằng sáng chế cho các công nghệ này.
 
Công nghệ sổ cái phân tán cho thấy một tiền năng vô cùng lớn (Ảnh: Wiki)
 
Bằng chứng của sự sáng tạo
 
Công nghệ blockchain đóng vai trò quan trọng trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ chưa được đăng ký. Blockchain có thể cung cấp bằng chứng về ý tưởng, quá trình sử dụng, chẳng hạn như tính nguyên gốc và tính quốc gia, trong đó các bài viết về thiết kế lần đầu tiên được công bố trên thị trường. Việc tải lên một thiết kế nguyên gốc hoặc một sản phẩm và các chi tiết của nhà thiết kế/người tạo ra nó đối với một chuỗi khối sẽ tạo ra một hồ sơ được đóng dấu thời gian điện tử (time stamp) và bằng chứng chắc chắn để chứng minh vấn đề này. Các kho lưu trữ dựa trên công nghệ sổ cái phân tán cho các quyền sở hữu trí tuệ chưa đăng ký đã được phát triển bởi một số công ty khởi nghiệp blockchain đã chứng minh tiềm năng ứng dụng của công nghệ blockchain, cũng như đưa ra những giải pháp quản lý để bảo vệ bản quyền trong môi trường kỹ thuật số.
 
Chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ
 
Công nghệ sổ cái sẽ cho ta biết chủ thể nào sở hữu đối tượng gì, chủ thể nào được cấp phép sử dụng hợp pháp ..v.v.. theo đó cho phép mọi người trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả người tiêu dùng và cơ quan hải quan xác nhận một sản phẩm chính hãng và phân biệt nó với hàng giả, hàng nhái. Sổ cái blockchain nắm giữ thông tin quyền sở hữu trí tuệ cho phép xác thực xuất xứ, vì chúng có thể ghi lại một cách khách quan những chi tiết có thể xác minh được về thời gian và địa điểm sản xuất sản phẩm, cũng như chi tiết về quy trình sản xuất và nguồn nguyên liệu. Giải pháp sử dụng Blockchain này đang nhanh chóng trở thành xu hướng chủ đạo cho phép người dùng xác minh tính xác thực của một sản phẩm và cung cấp niềm tin, sự yên tâm cho các doanh nghiệp, cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
 
Triển vọng của Blockchain trong tương lai
 
Công nghệ blockchain đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, đặt ra yêu cầu về việc hợp tác giữa các nhà phát triển blockchain để phát triển các tiêu chuẩn và giao thức tương tác đồng nhất và phù hợp. Các cơ quan chính phủ và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Châu Âu (EUIPO) đang tích cực xem xét khả năng của blockchain, Ủy ban EU đã có kế hoạch cho sự nghiên cứu về blockchain và Quốc hội Hoa Kỳ gần đây cũng đã tổ chức một cuộc họp kín về Blockchain.
 
Do đó, blockchain dường như chỉ còn là câu hỏi về thời gian trước khi luật giải quyết các rào cản tiềm ẩn trên quy mô lớn của việc áp dụng công nghệ - chẳng hạn như các câu hỏi về pháp luật điều chỉnh, khả năng thực thi của quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật dữ liệu quyền riêng tư, các quy tắc đáng tin cậy và các định nghĩa cho hợp đồng thông minh - cách ứng dụng vào luật pháp và thực tiễn về sở hữu trí tuệ.
 
Hà Trung (Dịch và biên soạn)  https://phapluatbanquyen.phaply.vn/
 
 

Xem thêm Doanh nghiệp