Báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ

  • www.doanhtri.net
  • 29-06-2022
  • 338 lượt xem
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam trao kỷ niệm chương cho các đơn vị đồng hành tại diễn đàn
 
(LĐTĐ) Ngày 29/6 tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo, Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn “Báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững".
 
Diễn đàn thu hút sự tham gia của trên 100 đại biểu là lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội, các cấp Hội Nhà báo và các doanh nhân, doanh nghiệp.
 
Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp; khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp...
 
Cần minh bạch trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp
 
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hai năm rưỡi qua, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Có thể khẳng định, trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phản ánh kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp khi phải đảm bảo vừa sản xuất vừa phải chống dịch, qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
 
Trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện nhiều thông tin đa chiều, thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận, những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho chính doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất, khi doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm.
 
Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu, tích cực, đâu đó vẫn còn một số những thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp. Nguyên nhân căn bản là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, bên cạnh đó, một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội đưa tin sai sự thật, thổi phồng quá mức sự việc để phục vụ lợi ích cá nhân.
 
Điều đó đặt ra vấn đề phối hợp giữa báo chí và doanh nghiệp như thế nào để hiệu quả hơn. Giải pháp nào để doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin với các cơ quan báo chí và báo chí cần làm gì để minh bạch hơn trong việc xử lý thông tin.
 
“Sự minh bạch chính là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa báo chí và doanh nghiệp. Báo chí cần doanh nghiệp, không phải với tư cách các nhà quảng cáo có thể mở hầu bao nuôi sống báo chí, mà như những nguồn thông tin minh bạch, chính xác, tạo ra giá trị tin cậy cao đối với bạn đọc. Ngược lại, doanh nghiệp cần báo chí với tư cách các kênh truyền thông trung lập, mạnh mẽ, hiệu quả, để thông điệp truyền thông của doanh nghiệp được lan toả”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
 
Báo chí cách mạng cần hướng tới tính nhân văn
 
Nhấn mạnh về mối quan hệ của báo chí và doanh nghiệp, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết đây là mối quan hệ đồng hành. Tuy nhiên, trong mối quan hệ này còn những điều khó khăn, báo chí phải làm sao để duy trì việc giám sát, phản biện và phản ánh đúng đắn kể cả mặt tốt và những vấn đề còn bất cập của doanh nghiệp một cách công bằng.
 
Toàn cảnh diễn đàn
 
Theo ông Lê Quốc Minh, trong định hướng của Hội Nhà báo Việt Nam có những từ khoá rất quan trọng. Bên cạnh những từ khoá “đoàn kết, kỷ cương” thì yếu tố “chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển” là những yếu tố được nhấn mạnh, đặc biệt từ khoá “nhân văn” là điều báo chí cách mạng hướng tới.
 
Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp đã thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp.
 
Bà Nguyễn Thị Thúy Hường - Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Trường học Quang Minh, cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển nhanh về số lượng, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, báo chí được ghi nhận. Báo chí đã đổi mới, nhanh, nhạy bén với công nghệ 4.0 để người đọc dễ dàng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, chính vì số lượng phát triển ồ ạt nên đâu đó vẫn còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Bên cạnh các ngòi bút chân chính vẫn còn những ngòi bút chưa khách quan, chưa trung thực.
 
Chia sẻ về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, bà Hường cho hay: "Báo chí và doanh nghiệp cần thấu hiểu nhau. Trong đó, người viết báo phải biết lắng lòng lại và buồn khi viết về một cái sai của người nào đó, của doanh nghiệp nào đó mà không thể “chữa” được buộc nghề nghiệp mình phải viết lên để làm bài học cảnh tỉnh cho xã hội tránh chứ không phải tâm trạng hồ hởi, hân hoan khi mình vạch ra được cái sai này với một động cơ khác".
 
Cùng chung quan điểm, bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, báo chí cần thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, thông tin trung thực, khách quan, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hạn chế các hoạt động tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, phát huy vai trò của báo chí cho việc cổ vũ, góp phần xây dựng văn hóa, chuẩn mực đạo đức kinh doanh văn minh hội nhập cho doanh nghiệp.
 
Qua các ý kiến chia sẻ tại diễn đàn, các đại biểu đều khẳng định, trong thời gian tới, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển hơn nữa, tuy nhiên để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động và minh bạch thông tin với báo chí.
 
Đối với cơ quan báo chí, cần phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Mặt khác, các phóng viên, nhà báo phụ trách về mảng này cần phải được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực kinh tế; thông tin chính xác, khách quan, đa chiều, tránh gây hoang mang dư luận.
 
Đặc biệt, trong môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp hiện nay, mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan báo chí cần thực hiện có hiệu quả mô hình chuyển đổi số, có như vậy báo chí và doanh nghiệp mới có thể chung tay xây dựng một xã hội phồn vinh và phát triển.
 

Xem thêm Thời sự