BÀI 4. DOANH NGHIỆP & QUYỀN LỢI - NGHĨA VỤ - Luật gia TS. Nguyễn Thị Sơn

  • www.doanhtri.net
  • 24-11-2022
  • 414 lượt xem
Xem thêm: 
 
 
* Về quyền lợi
 
Khi khởi nghiệp, doanh nghiệp nào cũng tự tin vào chương trình lập nghiệp của mình, tự tin vào nhu cầu của thị trường, tự tin vào sự hiểu biết luật pháp, tự tin vào khả năng chuyên môn, vào sức trẻ, sự năng động để tiến tới thành công. Họ chưa nhìn thấy những chông gai và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, sự cạnh tranh không cân sức của các thành phần kinh tế.
 
* Theo Hiến pháp, Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó quốc doanh là chủ đạo. Bên cạnh đó, Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại đa phương và song phương đều cam kết đảm bảo tính công khai minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế kể cả mua sắm trong lĩnh vực công của nhà nước. Vậy những nội hàm của sự công khai minh bạch và không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế ra sao.???
 
* Chủ trương, chính sách của nhà nước thông qua hệ thống pháp luật được lấy ý kiến của nhiều hội đoàn trong xã hội và thông qua Quốc hội đều rất chặt chẽ. Nhưng việc thực thi ở các địa phương và các bộ ngành có thật sự tuân thủ luật pháp?
 
- Tại sao có tình trạng hết xăng dầu, giá cả xăng lên xuống thậm thụt không có lý do chính đáng? Tôi cho rằng: đó là sự độc quyền kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp quốc doanh do Bộ Công thương quản lý. Các cây xăng của tư nhân thực chất là đại lý bán lẻ. Không có sự cạnh tranh thực sự trong thị trường xăng dầu để phục vụ tốt cho nhu cầu rất thiết yếu này của người dân.
 
- Tại sao xảy ra sự việc của kít test Việt Á,? Tôi cho rằng: mặc dù Việt Á cũng là công ty tư nhân, nhưng là tư nhân sân sau của Bộ y tế, độc quyền cung cấp kít test và thiết bị y tế cho hệ thống bệnh viện công (những bệnh viện này không có quyền chọn lựa mà chỉ thực hiện theo chỉ thị của Bộ y tế), nếu có tổ chức đấu thầu cũng chỉ là hình thức (thông tin từ báo chí và các phương tiện truyền thông đã nêu rất rõ).
 
- Tại sao xảy ra những sự việc ở AIC? Đó là sự táo tợn, xem thường pháp luật của các địa phương và các tổ chức công lập được phép mua sắm chi tiêu công trong hệ thống nhà nước. 
 
* Tôi chỉ đề cập vài ví dụ đã xảy ra, đã bị lộ và đã được đăng tải trên các báo đài. Họ đã coi thường các quy chế đấu thầu, họ cố tình không tuân thủ các quy định về công khai minh bạch khi mua sắm chi tiêu công thuộc nhà nước quản lý. Họ đã vi phạm và làm mất quyền lợi của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác...
 
* Tôi nhớ năm 2008 khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn thế giới, ảnh hưởng đến tình hình tài chính ở Việt Nam, lãi suất tín dụng lên tới 22%++. Thị trường BĐS cũng tan hoang, ngành xây dựng, giá thép, giá ciment lên giá chóng mặt. Bộ công thương có chủ trương bình ổn giá ciment không cho doanh nghiệp quốc doanh lên giá. Tôi đã có thư gửi Bộ trưởng Trương Đình Tuyển và nói rằng, đó là sự không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, vì doanh nghiệp quốc doanh có nhiều sự ưu đãi đầu vào, việc bình ổn giá nếu doanh nghiệp có lỗ được nhà nước bù lỗ, còn doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lấy đâu ra để họ bù lỗ, như vậy bằng như bảo họ phá sản. Tôi rất cảm kích ngày ấy Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhận được thư của tôi điện thoại trả lời ngay sẽ nghiên cứu xem xét đề nghị của tôi.
 
* Tóm lại quyền lợi và sự bình đẳng của các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi kinh doanh tại Việt Nam đã bị thu hẹp, bị làm mất cơ hội.
 
(Còn tiếp)
 
Luật gia TS. Nguyễn Thị Sơn
24.11.2022

Xem thêm Doanh nghiệp