BÀ U GIÀ TRUNG THÀNH - TS Nguyễn Thị Sơn

  • www.doanhtri.net
  • 21-10-2019
  • 646 lượt xem

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng quân Pháp. Hiệp định Geneve được ký kết nhằm khôi phục lại hòa bình ở Đông Dương.

Theo Hiệp định Geneve, Việt Nam chia thành hai vùng tập kết quân sự, quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung tại miền Bắc, còn quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung tại miền Nam. Lấy vĩ tuyến 17, sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời. Lúc ấy dự định, đây là sự phân chia tạm thời, sẽ có một cuộc Tổng tuyển cử vào năm 1956 nhằm thống nhất hai miền dưới một chính phủ. Tập kết dân sự được diễn ra theo nguyên tắc tự nguyện.

Mẹ tôi kể, hồi ấy (1954) bố tôi đang làm việc ở Hà Nội, mẹ tôi cũng có một cửa tiệm bán vải lụa ở phố Khâm Thiên. Rồi dòng người ồ ạt kéo nhau ra Hải Phòng. Ông bà ngoại tôi ở Bắc Ninh thấy cảnh đấu tố, cải cách ruộng đất ở làng cũng hoang mang, khuyên bố mẹ tôi nên đi. Ông bà bảo chưa thấy có chính sách khoan hồng với những người làm việc cho nhà nước cũ và những người buôn bán công thương (quê ngoại tôi ở Đại Bái chuyên buôn bán và sản xuất hàng đồng). Mẹ tôi không muốn xa ông bà ngoại, dùng dằng mãi, nhất là việc bố tôi vẫn phải ở Hà Nội để giải quyết công việc hằng ngày của đơn vị (mẹ tôi hay gọi là Sở).

Mẹ tôi năm ấy 24 tuổi, tôi là con gái lớn 4 tuổi, hai em trai tôi, Đại 2 tuổi, Thành 1 tuổi. Bốn mẹ con ra Hải Phòng, không có người thân thich, tất cả đều xa lạ, nhà cửa thuê tạm trong lúc chờ xuống tầu vào Nam, bố tôi chỉ về Hải Phòng vào ngày nghỉ cuối tuần.

Em Thành tôi khóc suốt vì ở Hà Nội có người giúp việc bế em cho mẹ ra cửa tiệm. Mẹ cũng chẳng biết ngày giờ nào vào Nam nên bế em Thành ra khu chợ lao động tìm người giúp việc. Mẹ bảo có nhiều người trông trẻ, khỏe mạnh, sạch sẽ nhưng em không chịu theo. Khi gặp một người hơi lớn tuổi khoảng 40, trông ốm yếu thì em lại theo và gục đầu lên vai ngủ suốt trên đường về nhà.

Chị em chúng tôi còn bé, chẳng biết gì về văn hóa xưng hô của người Hà Nội, Hải Phòng, chỉ biết là chúng tôi gọi bà ấy là “bà già” và xưng “tôi”. “Bà già” nói với bố mẹ tôi: “tôi không có ai thân thiết, cậu mợ thương thì cho tôi đi cùng, tôi sẽ ở suốt đời với cậu mợ”. Thế là “bà già” đi cùng mẹ con tôi vào Nam.

Ngày ra đi rất bất ngờ, dòng người cứ thế xuống tàu, bố tôi không kịp xuống Hải Phòng đi cùng mẹ con chúng tôi. Gia tài của mẹ con chúng tôi ngày ấy là cái vali bằng da bò mầu nâu nhạt. Năm người chúng tôi túm tụm vào nhau, mẹ tôi bế em Thành, bà già xách vali và dắt tay em Đại, tôi xách cái túi nhỏ, túm đuôi áo của mẹ tôi.

Xuống tàu, người đông nghẹt, tôi không nhớ là tàu lênh đênh bao nhiêu ngày, chỉ nhớ là mẹ tôi bị say sóng nằm bẹp một chỗ, bà già bế em Thành và dặn em Đại phải nằm lên cái vali vì sợ đêm bị người đi cùng tầu lấy cắp. Em Đại tuy 2 tuổi nhưng rất biết nghe lời, không khóc hay sợ hãi và lúc nào cũng nằm giang tay ôm cái vali. Tôi thấy mọi người chung quanh có phần ăn mà nhà mình không có, cơn đói tự dưng như cào thắt ruột. Bà già nói tôi ra gặp ông Tây xin phần ăn và con bé 4 tuổi nhỏ xíu cố chen trong dòng người sắp hàng vừa khua tay ra dấu, vừa nói với ông Tây rằng nhà tôi có 5 người đói bụng lắm. Tôi được ông Tây phát cho 5 ổ bánh mì và thuốc chống ói cho mẹ tôi.

Tầu cặp bến, chúng tôi lại đi theo dòng người lên bờ, được vào tạm một cái đình chợ, mỗi gia đình một manh chiếu, nước tắm không có, nhà vệ sinh không có. Mẹ tôi thấy sợ hãi với cảnh màn trời chiếu đất nên đánh điện (giây thép) cho bố tôi nói rằng bố tôi không vào thì chúng tôi sẽ chết.

Bố tôi đã vào kịp chuyến cuối cùng của cuộc di cư vào Nam. Bố tôi đưa mẹ con chúng tôi ra Huế sinh sống 2 năm, lúc đầu ở Thành phố Huế, sau đó về Hương Trà.

Viết cho TẬP TRUYỆN NGẮN – KÝ ỨC
Nguyễn Thị Sơn

Xem thêm Văn Nghệ