Ai có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công?

  • www.doanhtri.net
  • 01-02-2019
  • 826 lượt xem

(Chinhphu.vn) – Theo ý kiến của cử tri tỉnh Thanh Hóa, tại Khoản 1 Điều 210 Bộ luật Lao động quy định đình công ở những nơi có tổ chức công đoàn cơ sở phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức, lãnh đạo là không khả thi.

Bởi cán bộ công đoàn cơ sở cũng là người lao động trong doanh nghiệp, được lãnh đạo doanh nghiệp bố trí công việc và trả lương. Khi họ đứng ra tổ chức và lãnh đạo đình công sẽ đối diện với nguy cơ bị chủ doanh nghiệp sa thải dẫn đến mất việc làm, mất thu nhập. 

Thực tế cho thấy, gần như 100% các cuộc đình công, biểu tình trong doanh nghiệp là tự phát, trái với quy định pháp luật, dẫn đến khó kiểm soát, dễ gây phức tạp về an ninh trật tự, đề nghị bỏ quy định tại Khoản 1 Điều 210.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Thanh Hóa như sau:

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, quan hệ lao động được xác lập giữa các chủ thể là người lao động, tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động thông qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.

Trường hợp phát sinh tranh chấp lao động thì việc giải quyết tranh chấp phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Lao động, trước hết phải đảm bảo nguyên tắc hai bên tự thương lượng trực tiếp, tự quyết định, giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. 

Đình công là biện pháp cuối cùng do công đoàn lãnh đạo để gây sức ép đối với người sử dụng lao động để bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động. Những quy định này trong Bộ luật Lao động năm 2012 cũng phù hợp với các Công ước, Khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế.

Hiện nay, việc tổ chức, hoạt động của công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn cơ sở được thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy vai trò đại diện của tổ chức công đoàn cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò, vị trí; thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở.

Từ thực tiễn nêu trên, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, công đoàn cần phải đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. 

Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương ngày 5/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đã chỉ rõ “đổi mới tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.

Chinhphu.vn

Xem thêm Tin Pháp luật