5 nhóm ngành có triển vọng lớn thời Covid-19 trong khu vực Đông Nam Á

  • www.doanhtri.net
  • 04-08-2020
  • 790 lượt xem
Chuyên gia khảo sát thị trường Ian Robertson nhận định: "Trong giai đoạn hiện tại, rất khó để đưa ra những dự đoán chính xác về thị trường lao động cũng như cơ cấu chuyển dịch ngành khu vực Đông Nam Á. Mặc dù vậy, lĩnh vực sản xuất ở Đông Nam Á vẫn rất mạnh".
 
Chuyên gia khảo sát thị trường ở khu vực Trung Đông và châu Á, ông Ian Robertson cho biết trong giai đoạn hiện tại, rất khó để đưa ra những dự đoán chính xác về thị trường lao động cũng như cơ cấu chuyển dịch ngành khu vực Đông Nam Á. Lý do là tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường cũng như không ai chắc về cuộc khủng hoảng cuối cầu sẽ định hình lại nền kinh tế toàn cầu như thế nào.
 
Mặc dù vậy, theo ông Ian Robertson, có 5 nhóm ngành hiện đang có triển vọng lớn trong khu vực Đông Nam Á.
 
Ngành công nghiệp chế tạo
 
Ngành công nghiệp chế tạo khu vực Đông Nam Á đã bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, căng thẳng thương mại cũng như suy thoái kinh tế là những yếu tố khiến cầu tiêu dùng trong phân khúc này giảm mạnh.
 
Công nghiệp chế tạo thuộc nhóm ngành dễ tổn thương do sự phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, cảng cũng như các mạng lưới giao thông khác đang chịu tác động bởi các biện pháp đóng cửa kinh tế tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
 
Đồng thời, chuỗi cung ứng và các hoạt động logistic trong ngành công nghiệp chế tạo khu vực Đông Nam Á hiện đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Gần đây, nhiều công ty đã bắt đầu xem xét chuỗi cung ứng của họ, đa dạng hóa các cơ sở cung ứng nhằm phân tán rủi ro cũng như tăng tính tự chủ.
 
Do tình hình căng thẳng thương mại leo thang, Trung Quốc có khả năng giảm sức cạnh tranh đáng kể, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy mối đe dọa về thuế quan và bắt đầu thay đổi chuỗi cung ứng trong năm 2019, ngay trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Ông Ian Robertson nhấn mạnh rằng xu hướng này tiếp tục trong năm 2020.
 
Sự dịch chuyển cơ cấu trong ngành công nghiệp chế tạo đã tạo ra nhiều cơ hội cho quốc gia khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chi phí lao động thấp đã thúc đẩy sự phát triển các nhóm ngành: dệt may, ô tô, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, thậm chí thu hút đầu tư từ những 'gã khổng lồ' thương mại điện tử: Foxconn và Samsung.
 
Ngành điện tử Đông Nam Á bùng nổ thời Covid-19
 
 
Ngành điện tử khu vực Đông Nam Á hiện đang rất phát triển và đa dạng. Cụ thể là một loạt các sản phẩm được sản xuất trong khu vực, bao gồm các thiết bị bán dẫn, linh kiện điện tử thụ động, mạch in, đầu nối...
 
Phần lớn các thiết bị điện tử được tiêu dùng trên thế giới (TV, radio, máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động) đều đến từ khu vực này. Lượng lao động trong ngành chiếm 2,5 triệu công nhân, là trụ cột tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á.
 
Những yếu tố như chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc, các vấn đề về chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị đã tiếp tục kích thích sự tăng trưởng của ngành điện tử khu vực Đông Nam Á. Chi phí lao động thấp giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các công ty đa quốc gia.
 
Tại Singapore, dự kiến ngành sản xuất điện tử sẽ tạo ra 2.100 việc làm mới vào năm 2020. Ngoài ra, ngành này chiếm 4,4% GDP của Singapore trong năm 2019, tương đương với 90 tỷ SGD.
 
Đồng thời, các quốc gia khác trong khu vực cũng có tiềm năng lớn trong ngành điện tử.
 
Thái Lan được coi là nhà đi đầu trong sản xuất vi mạch, chất bán dẫn và ổ cứng, với hơn 2.300 công ty cùng 400.000 lao động. Thái Lan cũng là quốc gia sản xuất tủ lạnh lớn thứ tư thế giới và là nhà sản xuất điều hòa lớn thứ hai.
 
Philippines cũng là quốc gia sản xuất ổ cứng và chất bán dẫn hàng đầu. Hiện nay, quốc gia này đang sản xuất 2,5 triệu ổ cứng mỗi tháng, chiếm 10% dịch vụ sản xuất chất bán dẫn trên thế giới.
 
Tại Malaysia, hơn 1.695 công ty hoạt động trong lĩnh vực điện tử, với tổng vốn đầu tư 35,5 tỷ USD.
 
Dự kiến tác động của Covid-19 đối với tăng trưởng trong lĩnh vực này sẽ không kéo dài lâu. Các chuyên gia cũng dự báo trong quý 4 năm 2021, ngành điện tử khu vực Đông Nam Á sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều công ty điện tử lớn ở Đông Nam Á đã bắt đầu áp dụng công nghệ chuyển đổi sang tự động hóa trong lĩnh vực này.
 
Tập đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group) cho biết, tự động hóa robot sẽ chiếm 75% cơ cấu bốn nhóm ngành trong lĩnh vực này, cụ thể là: thiết bị và linh kiện điện tử; máy tính và các sản phẩm điện tử; thiết bị vận tải; và máy móc.
 
 
Phát triển ngành công nghiệp hóa chất
 
Ngành công nghiệp hóa chất là nhóm ngành không bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch. Do hóa chất được coi là vật liệu thiết yếu. Các nhà máy hóa dầu và các nhà cung cấp được phép kinh doanh trong thời gian nền kinh tế đóng cửa.
 
Hoạt động sản xuất hóa chất oleoch tiếp tục tăng lên. Malaysia và Indonesia là hai quốc gia sản xuất chính trong khu vực Đông Nam Á.
 
Các nhà máy sản xuất ethylene ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia tiếp tục hoạt động hết công suất, trong việc sản xuất hóa chất oleoch sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp khác nhau.
 
Tăng trưởng của thị trường hóa dầu khu vực Đông Nam Á đang tạo ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược hơn giữa các quốc gia sản xuất hóa dầu Đông Nam Á.
 
Sản xuất hóa dầu trong khu vực Đông Nam Á có hai lợi thế chính. Thứ nhất là việc tiếp cận dễ dàng với dầu tự nhiên, khí đốt và nguyên liệu
 
Yếu tố thứ hai đó là Chính phủ các nước vẫn đang khuyến khích đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực này.
 
Tại Singapore, Chính phủ đã tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra các nguyên liệu hóa dầu cạnh tranh và tập trung vào việc đẩy mạnh chuỗi giá trị bằng các vật liệu tiên tiến và hóa chất đặc biệt.
 
 
Ngành kỹ thuật xây dựng
 
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (2017) cho biết tổng nhu cầu cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á sẽ vượt quá 22,6 nghìn tỷ USD đến năm 2030, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
 
Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu xây dựng đối với các dự án quy mô lớn liên quan đến năng lượng, đường bộ, đường sắt, nước và các cơ sở hạ tầng khác.
 
 
Cơ hội lớn của găng tay y tế
 
Cuối cùng đó là hoạt động sản xuất găng tay y tế. Đây là một lĩnh vực đã bùng nổ bởi làn sóng dịch Covid-19.
 
Hiện nay, Malaysia là nhà sản xuất găng tay y tế lớn nhất thế giới. Các nhà sản xuất Malaysia chỉ ra rằng đơn đặt hàng găng tay dùng một lần từ châu Âu và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng.
 
Theo Technavio, thị trường găng tay dùng một lần ở châu Âu dự kiến ​​sẽ tăng thêm 780,35 triệu USD.
 
Điều này đánh dấu sự tăng trưởng đáng kể của thị trường so với năm 2019, do nhu cầu tăng mạnh trong nửa đầu năm 2020. Dự kiến tăng trưởng ​​sẽ tiếp tục ổn định trong tương lai với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) gần 7%.
 
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự kiến tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) trên 18%.
 
Ông Ian Robertson kết luận: "Mặc dù Covid-19 đã làm 'trật bánh' tất cả các dự đoán kinh tế trong năm 2020 và 2021, về cơ bản, lĩnh vực sản xuất ở Đông Nam Á là rất mạnh".
 
Q.L   Theo Nhịp sống kinh tế    cafef.vn

Xem thêm Doanh nghiệp