20.000 đại biểu ngành giáo dục tìm giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường

  • www.doanhtri.net
  • 18-04-2019
  • 590 lượt xem
(Chinhphu.vn) - Phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm của không chỉ các bộ, ngành, địa phương… mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng học sinh-sinh viên, là trách nhiệm của phụ huynh và toàn xã hội. 
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và chống bạo lực học đường

Gần 20.000 đại biểu tại 640 điểm cầu trên toàn quốc đã tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và chống bạo lực học đường do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 17/4.

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo đã được ban hành khá đầy đủ với: Luật Giáo dục 2005, Luật Trẻ em 2016 quy định các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ khỏi bạo lực học đường.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định, 1 chỉ thị liên quan đến nội dung này. Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng đã ban hành theo thẩm quyền 25 văn bản, gồm các thông tư, quyết định, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo điều hành và văn bản hành chính khác.

Với hệ thống văn bản quy phạm, chỉ đạo chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời này, đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường… 

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Linh, thời gian qua tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục. Cá biệt có một số vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng gia tăng bạo lực học đường có thể kể đến như: Tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập; sự bùng nổ CNTT, mạng xã hội; giáo dục trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh; sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý học sinh. 

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Công tác tuyên truyền, giáo dục liên quan đến nội dung này chưa hiệu quả. Thực hiện dân chủ cơ sở trong một số trường học còn hạn chế. Một số nhà giáo, cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện ở cơ quan quản lý cấp trên chưa thường xuyên, kịp thời.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thể hiện quan điểm, cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để phòng bạo lực học đường. Vai trò của nhà trường, nhất là thầy cô giáo chủ nhiệm, phụ trách đoàn, hội, đội, trách nhiệm của không chỉ hiệu trưởng mà cả lãnh đạo nhà trường cần được nâng cao. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm của không chỉ các bộ, ngành, địa phương… mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng học sinh-sinh viên, là trách nhiệm của phụ huynh và toàn xã hội. 

Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu từ các điểm cầu đều thể hiện đồng tình, thống nhất cao với kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường năm 2019 của Bộ GD&ĐT. Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý cần tăng cường phổ biến các văn bản, quy định, đặc biệt văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phỉ, chỉ thị, thông tư của Bộ GD&ĐT có liên quan đến vấn đề này. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, kịp thời đôn đốc nhắc nhở, phát hiện điển hình tốt, xử lý nghiêm khắc kịp thời vi phạm, nhất quyết không để kế hoạch chỉ là trên giấy.

Nhật Nam

Xem thêm Thời sự