"Trường chuyên không phải đào tạo gà nòi mà phải đào tạo nhân tài"

  • www.doanhtri.net
  • 22-01-2022
  • 483 lượt xem
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thế Đại
 
Theo các chuyên gia, hiện nay cần đổi lại triết lý đào tạo đối với trường chuyên. Theo đó, trường chuyên không phải đào tạo "gà nòi" mà phải đào tạo những nhân tài có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, hoài bão để phụng sự đất nước.
 
Phát triển trường chuyên không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương
 
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 ngày 21.1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục nhìn nhận phát triển trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài.
 
Đồng thời, tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên, vai trò của trường chuyên không chỉ cho trường chuyên mà cần lan tỏa trong hệ thống, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.
 
Với quan điểm đào tạo phát triển toàn diện, Bộ trưởng cho rằng, đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu. Vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch.
 
“Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải ở các trường THPT chuyên” - bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời nhắc tới áp lực tuyển sinh trường chuyên mà ở đó không ít bậc phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp.
 
“Nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp” - Bộ trưởng chia sẻ.
 
Xác định trường chuyên là môi trường áp dụng các phương pháp giáo dục đặc biệt, do đó, Bộ trưởng bày tỏ sự cổ vũ với phương pháp giáo dục cá thể hóa. Theo Bộ trưởng, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và để nuôi dưỡng được nhân tài cần phương pháp phù hợp. Trong đó cần phát huy được năng lực tự học của học sinh và khích lệ để tài năng lan tỏa. Trong sự phát triển trường chuyên, ngoài cơ sở vật chất, ngoài đầu tư cần lưu ý phương pháp phù hợp cho hệ thống này.
 
Trường chuyên được yêu cầu đổi mới
 
Phụ trách công tác đào tạo trong môi trường đại học nhiều năm, Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội thừa nhận thực tế hiện nay, nhiều học sinh chuyên thiếu ngoại ngữ, tin học và nhiều kỹ năng khác khi vào đại học.
 
Trưởng thành từ môi trường THPT chuyên, GS Đức cho rằng quan trọng nhất của trường chuyên là đào tạo để nuôi dưỡng khát vọng, đam mê của học sinh chuyên. Trước những ý kiến trái chiều về đề xuất bỏ trường chuyên, GS Đức đã đưa ra đề xuất.
 
Cụ thể, cần đổi lại triết lý đào tạo đối với trường chuyên. GS Đức khẳng định và ủng hộ quan điểm THPT chuyên cần bảo đảm đào tạo nhân tài. Để đào tạo nhân tài phải đào tạo kỹ năng toàn diện.
 
“Trường chuyên không phải đào tạo gà nòi mà là đào tạo những nhân tài có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, hoài bão. Trường chuyên năm nay không có giải quốc gia quốc tế, 10 năm sau chưa có giải nhưng 30 năm sau những học sinh chuyên sẽ trở thành cán bộ chủ chốt và đó là thành công” – GS Đức nêu quan điểm.
 
GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Thế Đại
 
Bên cạnh đó, theo GS Đức, mặc dù Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 thúc đẩy hệ thống các trường chuyên phát triển rất tốt. Nhưng các trường chuyên trong đại học vẫn chưa được nhiều quyền lợi.
 
Đồng thời, GS Đức mong muốn các trường đại học nghiên cứu, đưa ra chính sách phù hợp. "Với chính sách tuyển sinh như hiện nay, tôi cho rằng đội ngũ tuyển sinh rất tốt. Đại học Quốc gia Hà Nội ý thức được điều đó nên mở rộng đối tượng tuyển thẳng là học sinh các trường chuyên của địa phương. Vì vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội rất mong muốn các trường đại học trên cả nước, Bộ GDĐT có chính sách khuyến khích hỗ trợ các em" - GS Đức nói.
 
Đặc biệt, cần có thêm chính sách đối với các thầy cô giáo. "Tôi cho rằng 2 yếu tố tạo nên thành công là thầy cô giáo và hoài bão, ước mơ của học sinh. Đây là 2 yếu tố cốt lõi. Rất mong Bộ GDĐT, lãnh đạo các tỉnh, địa phương cố gắng chọn lựa người giảng dạy trường chuyên là các thầy cô giáo giỏi nhất. Tôi rất mong có thêm chính sách, sự hỗ trợ từ Bộ GDĐT" - GS Đức nhấn mạnh.
 
ĐẶNG CHUNG    https://laodong.vn/

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe