(Kỳ 6) Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại hiệu quả thông qua phương thức trọng tài thương mại - Th.s Vũ Trọng Khang TRACENT

  • www.doanhtri.net
  • 16-09-2020
  • 747 lượt xem
Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
 
Trung tâm trọng tài thương mại có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài. Trung tâm trọng tài được thành lập khi có ít nhất năm sáng lập viên là công dân Việt Nam có đủ điều kiện là Trọng tài viên quy định tại Điều 20 của Luật Trọng Tài Thương Mại 2010, đề nghị thành lập và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập. Trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, Trung tâm trọng tài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
 
Trung tâm trọng tài có Ban điều hành và Ban thư ký. Cơ cấu, bộ máy của Trung tâm trọng tài do điều lệ của Trung tâm quy định.
 
Ban điều hành Trung tâm trọng tài gồm có Chủ tịch, một hoặc các Phó Chủ tịch, có thể có Tổng thư ký do Chủ tịch Trung tâm trọng tài cử. Chủ tịch Trung tâm trọng tài là Trọng tài viên. Trung tâm trọng tài có danh sách Trọng tài viên.
 
Quản lý nhà nước về Trọng tài bao gồm các nội dung: Ban hành và hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về Trọng tài; Cấp, thu hồi Giấy phép thành lập và Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài; Chi nhánh, Văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; Công bố danh sách Trọng tài viên của các tổ chức trọng tài hoạt động tại Việt Nam; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Trọng tài; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trọng tài; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng Trọng tài viên; Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về Trọng tài; Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các hoạt động của Trọng tài. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Trọng tài, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về Trọng tài. Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giúp Bộ Tư pháp thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ và quy định tại Luật Trọng Tài Thương Mại 2010.
 
Hội Đồng Trọng tài Thương mại
 
Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên. 
 
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn Trọng tài viên do Trung tâm trọng tài gửi đến, bị đơn phải chọn Trọng tài viên cho mình và báo cho Trung tâm trọng tài biết hoặc đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên. Nếu bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc không đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn; Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện do Trung tâm trọng tài gửi đến, các bị đơn phải thống nhất chọn Trọng tài viên hoặc thống nhất yêu cầu chỉ định Trọng tài viên cho mình. Nếu các bị đơn không chọn được Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn; Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày các Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định, các Trọng tài viên này bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Hết thời hạn này mà việc bầu không thực hiện được, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài; Trường hợp các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định Trọng tài viên duy nhất.
 
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Hội Đồng Trọng Tài có quyền gặp hoặc trao đổi với các bên với sự có mặt của bên kia để làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Hội Đồng Trọng Tài có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên tìm hiểu sự việc từ người thứ ba, với sự có mặt của các bên hoặc sau khi đã thông báo cho các bên biết. Các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Hội đồng trọng tài để chứng minh các sự việc có liên quan đến nội dung đang tranh chấp. Theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp. Hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp. Hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Trong trường hợp Hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị Toà án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp. Văn bản đề nghị phải nêu rõ nội dung vụ việc đang giải quyết tại Trọng tài, chứng cứ cần thu thập, lý do không thu thập được, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cần thu thập đó.
 
Trung tâm Trọng tài Thương mại và Hội đồng Trọng tài 
 
Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài. Trung tâm trọng tài không quyết định tranh chấp giữa các bên. Việc giải quyết tranh chấp là nhiệm vụ của Hội đồng trọng tài đã được các bên lựa chọn cho tranh chấp cụ thể, hỗ trợ các bên lựa chọn, thay đổi trọng tài viên. Xây dựng điều lệ và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài phù hợp với những quy định của Luật Trọng Tài Thương Mại 2010; Xây dựng tiêu chuẩn Trọng tài viên và quy trình xét chọn, lập danh sách Trọng tài viên; Gửi danh sách Trọng tài viên và những thay đổi về danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài cho Bộ Tư pháp để công bố; Cung cấp các dịch vụ hành chính, văn phòng và các dịch vụ khác cho việc giải quyết tranh chấp; Thu phí trọng tài và các khoản hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động trọng tài; Trả thù lao và các chi phí khác cho Trọng tài viên; tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết tranh chấp cho Trọng tài viên; Báo cáo định kỳ hằng năm về hoạt động của Trung tâm trọng tài với Sở Tư pháp nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động; Lưu trữ hồ sơ, cung cấp các bản sao quyết định trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thẩm quyền của trung tâm trọng tài là tổ chức, hỗ trợ và giám sát Hội đồng trọng tài đó và các bên trong việc tiến hành giải quyết tranh chấp theo các quy định của pháp luật trọng tài và quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm.
 
Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn. Sau đó, Trung tâm trọng tài sẽ gửi thông báo về việc khởi kiện cho bị đơn để bị đơn nộp bản tự bảo vệ và đơn kiện lại (nếu có). Đơn khởi kiện, bản tự bảo vệ, đơn kiện lại (nếu có) sẽ được chuyển đến cho Hội đồng trọng tài sau khi được thành lập. 
 
Hội đồng trọng tài sẽ họp để xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài (có thuộc trường hợp vô hiệu hay không), thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, xác định rõ các vấn đề mà Hội đồng trọng tài sẽ phải quyết định, các vấn đề tố tụng trước khi giải quyết nội dung cụ thể của tranh chấp, tiến hành tố tụng trọng tài một cách hợp lý; Quyết định luật áp dụng và địa điểm giải quyết tranh chấp; Quyết định về ngôn ngữ của trọng tài; Thu thập tài liệu, chứng cứ; Yêu cầu người làm chứng(nếu cần thiết); Xác nhận lời khai của người làm chứng; Yêu cầu giám định(nếu cần thiết); Kiểm tra các vấn đề của vụ tranh chấp; Chỉ định chuyên gia; Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Thu xếp đảm bảo tài chính cho các chi phí của Hội Đồng Trọng Tài; 
 
Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài đối với một vụ việc là thẩm quyền trực tiếp tiến hành giải quyết vụ tranh chấp cụ thể trên cơ sở thỏa thuận của các bên, quy định của pháp luật và quy tắc tố tụng trọng tài. 
 
Hội Đồng Trọng Tài mặc dù được Trung Tâm Trọng Tài thành lập, nhưng khi Hội Đồng Trọng Tài đã được thành lập sẽ hình thành một tổ chức (không có tư cách pháp nhân) độc lập với Trung Tâm Trọng Tài để giải quyết tranh chấp và sẽ tự giải thể sau khi giải quyết xong vụ tranh chấp bằng một phán quyết trọng tài. Hội Đồng Trọng Tài được trao thẩm quyền để giải quyết tranh chấp cụ thể mà các Bên tin cậy chọn để giao phó việc giải quyết tranh chấp. Thẩm quyền, quyền và nghĩa vụ của hội đồng trọng tài xuất phát từ sự thống nhất ý chí của các bên.
 
Trung Tâm Trọng Tài, bao gồm Ban Thư Ký lúc này chỉ đóng vai trò hỗ trợ Hội Đồng Trọng Tài trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại.
 
Thẩm quyền của Trung Tâm Trọng Tài thực hiện từ khi Đơn khởi kiện được thụ lý. Trung tâm trọng tài có trách nhiệm thực hiện các chức năng như là xem xét về sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài trong hồ sơ khởi kiện, hỗ trợ các bên lựa chọn, thay đổi trọng tài viên.
 
Kết Luận:
 
Để có thể giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả bằng phương thức Trọng Tài Thương Mại, nên đưa điều khoản tranh chấp như sau vào hợp đồng: 
 
" Trường hợp có bất kỳ tranh chấp nào từ/liên quan đến  hợp đồng, các Bên sẽ bàn bạc thảo luận trên tinh thần hữu nghị thiện chí giải quyết tranh chấp. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày bàn bạc thảo luận mà vẫn không giải quyết được tranh chấp hoặc một Bên đã thông báo hợp lệ cho Bên kia mà không nhận được trả lời hợp lệ. Tranh chấp sẽ được một trong các Bên đưa ra xét xử tại Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại theo Quy Tắc giải quyết tranh chấp của Trung Tâm đó, với Hội Đồng Trọng Tài gồm 3 Trọng Tài Viên trong hoặc ngoài danh sách của Trung Tâm Trọng Tài đó. Ngôn ngữ giải quyết tranh chấp là tiếng Việt. Địa điểm giải quyết tranh chấp là tại Thành Phố Hồ Chí Minh."./.
 
Th.s Vũ Trọng Khang, Trọng tài viên 
Trung tâm Trọng tài Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh
 

Xem thêm Tin Pháp luật